Dấu ấn trên vùng đất anh hùng

Cập nhật: 27-06-2017 | 08:29:02

Dù chỉ hình thành trong khoảng thời gian 5 năm nhưng khí thế hào hùng, truyền thống vinh quang của quân và dân tỉnh Phước Thành năm xưa vẫn sống mãi với thời gian, tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên thế hệ hôm nay và mai sau của Bình Dương phấn đấu xây dựng vùng đất chiến khu năm xưa phát triển văn minh, giàu đẹp.

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Năm 1961, Khu ủy miền Đông nhận định tình hình tại tỉnh Thủ Biên đang chuyển biến có lợi cho ta, nhưng do địa bàn chỉ đạo quá rộng, một cấp ủy duy nhất khó quán xuyến hết tình hình ở các quận trong tỉnh; hơn nữa về phía địch, chúng tổ chức thành ba tỉnh với ba bộ máy chính quyền, quân sự sâu sát tình hình ở từng địa bàn hơn ta, vì vậy, Khu ủy miền Đông chủ trương: Trên cơ sở tỉnh Thủ Biên cũ, căn cứ vào đặc điểm địa lý hành chính và chiến trường sẽ thành lập ba tỉnh mới là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Phước Thành. Đêm 27-6-1961 tại Văn phòng Tỉnh ủy Thủ Biên, ở hóc ông Vũ, xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên 2 (nay là xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) đã diễn ra cuộc họp thành lập tỉnh Phước Thành bao gồm các huyện Phú Giáo, Tân Uyên, Hiếu Liêm và các xã vùng căn cứ.

 Tuyến đường trục chính tại Bắc Tân Uyên đã được đầu tư xây dựng khang trang bảo đảm sự thông thương và đi lại của người dân. Ảnh: K.V

Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chỉ sau gần ba tháng được thành lập, quân và dân tỉnh Phước Thành đã lập nên chiến công vang dội, đó là tiêu diệt tiểu khu Phước Vĩnh, tỉnh lỵ tỉnh Phước Thành của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Sau thời gian chuẩn bị, đêm 17 rạng sáng 18-9-1961, các đơn vị tham gia chiến đấu của ta đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của địch. Sau hơn 1 giờ 30 phút chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch chiếm đóng tại khu vực Phước Vĩnh, giải thoát gần 300 cán bộ và đồng bào yêu nước bị bắt giữ. Chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa to lớn khi lần đầu tiên lực lượng vũ trang ta tấn công giải phóng một tỉnh lỵ, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch; đánh đòn phủ đầu vào âm mưu chia cắt Chiến khu Đ của địch. Chiến thắng Phước Thành không chỉ mang ý nghĩa to lớn về tiêu diệt lực lượng sinh lực địch mà còn có tác dụng cổ vũ không những đối với phong trào cách mạng miền Đông Nam bộ mà còn lan tỏa khắp miền Nam. Chiến thắng Phước Thành là sự kết hợp đúng đắn đường lối chính trị quân sự sáng tạo của Đảng ta; là kết tinh của tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng.

 Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp thực hiện đạt 874 tỷ đồng, tăng 3,43% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành công nghiệp thực hiện đạt 1.496 tỷ đồng, tăng 12,31% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 974 tỷ đồng, tăng 12,86% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách là 528,531 tỷ đồng; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,9%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,95%...

 

Do yêu cầu của nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng cụ thể của miền Đông, tỉnh Phước Thành chỉ tồn tại đến tháng 11-1966. Sau hơn 5 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, quân dân Phước Thành đã làm tròn nhiệm vụ với quê hương, đất nước. Nhiều thập niên đã trôi qua, nhưng khí thế hào hùng, truyền thống quang vinh của quân và dân tỉnh Phước Thành vẫn sống mãi với thời gian, tiếp tục là nguồn động viên, cổ vũ thế hệ hôm nay và mai sau của Bình Dương nói chung, của Tân Uyên, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên nói riêng phấn đấu xây dựng vùng đất chiến khu năm xưa ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.

Phát huy những giá trị vững bền

Kể từ khi tái lập, tỉnh đã 2 lần chia tách huyện Tân Uyên - vùng đất nằm trọn trong tỉnh Phước Thành năm xưa thành ba đơn vị hành chính cấp huyện, khá tương đồng với ba huyện của tỉnh Phước Thành cũ gồm Tân Uyên, Phú Giáo và Hiếu Liêm. Được thành lập từ ngày 1-4-2014, đến nay, vùng đất Bắc Tân Uyên đã không ngừng phát triển. Từ một vùng đất rừng làm chiến khu trong kháng chiến, nay đã trở thành một vùng đất màu mỡ với những vườn cao su bạt ngàn, những trang trại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và những vùng chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao với quy mô lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nơi đây. Hệ thống chính trị của huyện đã được tổ chức hoàn thiện theo quy định của pháp luật; cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động thông suốt, có hiệu quả của hệ thống chính trị.

Đặc sản trái cây ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: K.V

Đến nay, kinh tế của huyện Bắc Tân Uyên có bước phát triển khá và từng bước chuyển dịch đúng hướng; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân được ổn định và phát triển. Đến cuối năm 2016, huyện đã xây dựng được 4 khu, cụm công nghiệp trên 1.300 ha, có 7 xã đạt nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng; công tác đền ơn đáp nghĩa và các chính sách xã hội được thực hiện có hiệu quả. Năm 2016, theo phương pháp tiếp cận đa chiều, trên địa bàn huyện chỉ còn 174 hộ nghèo (chiếm 1,16%) và 137 hộ cận nghèo (chiếm 0,92%).

Công tác xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị đạt được kết quả tích cực. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được tăng cường. Huyện ủy triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể.

Trong thời gian chiến tranh ác liệt, đã có hơn 3.370 liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất Phước Thành năm xưa cùng với hàng trăm thương bệnh binh, hàng ngàn gia đình và người có công với cách mạng, hàng trăm bà mẹ được phong và truy tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những giá trị vô giá, tạo nền tảng vững bền đối với sự phát triển cho địa phương hôm nay. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Tân Uyên vẫn đoàn kết nhất trí một lòng, chủ động nắm bắt thời cơ, nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ nội lực, khai thác tốt các nguồn lực và tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sức bứt phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, để đưa địa phương phát triển lên tầm cao mới.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại huyện Bắc Tân Uyên đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động luôn bám sát nghị quyết của Đảng, cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra; trong đó tập trung tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện và tổ chức sơ, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của Tỉnh ủy theo đúng quy định. Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên ổn định, kiên định lập trường chính trị, phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2017 được triển khai nghiêm túc; việc tổ chức các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương được chu đáo, trang trọng và tiết kiệm…

 CAO SƠN - KIẾN GIANG - KIM VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên