Dầu Tiếng: Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Cập nhật: 30-06-2015 | 07:41:37

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã rất tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó tạo nên thói quen ưu tiên lựa chọn mua hàng Việt của người dân trong huyện.

Ghi nhận tại chợ Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng - một trong hai chợ truyền thống tại xã, cho thấy phần lớn sản phẩm ở đây là hàng Việt. Chị Trịnh Thị Hồng, chủ quầy tạp hóa ở đây, cho biết:“Thời gian gần đây khi mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và kiểm tra kỹ nhãn mác nên khi nhập hàng, tôi ưu tiên chọn hàng Việt. Tại quầy của tôi, 95% hàng hóa được sản xuất trong nước và các sản phẩm này bán khá chạy”.

 

Hàng Việt chiếm đa số tại chợ Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng

 

Chị Lê Thị Lan ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ trước đây khi mua sắm chị chỉ quan tâm đến giá cả nhưng hiện nay, chị còn chú ý đến xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Những nhãn hiệu uy tín, được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao luôn là lựa chọn đầu tiên của chị. “Tôi thấy các mặt hàng do Việt Nam sản xuất gần đây có cải tiến về mẫu mã, chất lượng, giá cả lại hợp lý. Vì vậy từ các mặt hàng dùng hàng ngày trong gia đình như bột giặt, nước rửa chén, dầu ăn, gia vị, đồ gia dụng đến giày dép, quần áo may sẵn tôi đều ưu tiên chọn hàng Việt Nam”, chị Lan nói.

Bên cạnh mua sắm ở chợ truyền thống, người dân huyện Dầu Tiếng cũng rất hào hứng với các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Chị Trần Thị Mai ở xã Thanh Tuyền, chia sẻ hàng Việt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả lại phù hợp nên rất nhiều người thích mua sắm. Chị mong muốn các phiên chợ hàng Việt thường xuyên về nông thôn để người dân có cơ hội mua sắm đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Tỉnh ủy Bình Dương vừa thông qua chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015-2020. Theo đó chương trình đưa ra những chỉ tiêu cụ thể như: 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn; triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững tại 9/9 huyện, thị, thành phố…

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Dầu Tiếng, cho biết chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phần lớn các phiên chợ diễn ra đều có quy mô trên 40 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. 100% sản phẩm tham gia chương trình có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác, hạn sử dụng.

Ngoài bán hàng trực tiếp, các phiên chợ vui “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn đem đến cho địa phương những hoạt động hỗ trợ cộng đồng như huấn luyện kỹ năng bán hàng cho tiểu thương, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thanh Tuyền, cho biết thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua các thành viên Ủy ban MTTQVN xã đã tiến hành họp giao ban hàng tháng với các trưởng ấp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ hàng Việt. Hiện nay hầu hết người dân rất có ý thức trong việc lựa chọn hàng hóa phù hợp khi mua sắm, hàng Việt đáp ứng được nhu cầu đó thì người dân ưu tiên lựa chọn là điều tất yếu. Cách làm hiệu quả nói trên sẽ tiếp tục được xã duy trì và phát huy trong thời gian tới.

• QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên