Dầu Tiếng: Nông nghiệp phát triển đúng hướng

Cập nhật: 11-04-2019 | 09:14:18

3 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát triển ổn định; cụ thể giá trị sản xuất đạt 589 tỷ 454 triệu đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đóng góp rất quan trọng để huyện hoàn thành tốt chỉ tiêu của ngành trong năm nay.


Ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng tiếp tục chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm.
Trong ảnh: Một trang trại nuôi bò sữa ở xã Long Tân. Ảnh: HỒNG NGA

Trong 3 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng đối mặt với không ít khó khăn, cụ thể như bệnh khảm lá sắn (khoai mì) xuất hiện trên diện tích 516,5ha, xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn heo tại 3 xã Long Tân, Minh Thạnh và Thanh Tuyền… làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân nên ngành nông nghiệp huyện nhà vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Ông Võ Trung Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện chủ trương khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện toàn huyện có 650 ha cây ăn quả, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây ăn quả trên địa bàn chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh.

Cùng với đó, địa phương đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền. Đồng thời, huyện thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh.

Địa phương cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện trên địa bàn huyện có trên 110 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện Dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 95 ha; diện tích còn lại do người dân thực hiện.

Về sinh vật cảnh được huyện xác định là 1 trong 3 ưu tiên phát triển. Các loại sinh vật cảnh được phát triển phổ biến trong cả nước hiện nay là hoa lan, cá cảnh, kiểng, bon sai. Để phát triển những mô hình này, huyện đã thành lập Hội Sinh vật cảnh, tập hợp những nghệ nhân có kinh nghiệm. Toàn huyện hiện có khoảng 12 ha sinh vật cảnh. Điển hình có trang trại hoa lan Mai Quốc Thái ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa với diện tích 6,5 ha, 2 ha trồng nấm ăn, nấm dược liệu và sản xuất phôi nấm tại trang trại nấm Minh Khải (xã Minh Thạnh) và trại nấm Tấn Hưng (xã Minh Hòa). Đối với mô hình nuôi cá cảnh, tập trung chủ yếu tại 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An. Giá trị sản xuất sinh vật cảnh của huyện đạt cả tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 600 triệu đồng/ha/năm.

Địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Giải pháp thực hiện nhiệm vụ này đã có, vấn đề quan trọng hiện nay là cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong huyện nhằm tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp huyện nhà.

Toàn huyện Dầu Tiếng có 215 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ước tổng đàn gia súc trên 106.060 con, đàn gia cầm 2,9 triệu con; có 15 hộ gia đình nuôi các loại động vật hoang dã; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 116.000m2..

 

HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên