Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng

Cập nhật: 23-10-2015 | 08:56:17

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), Bình Dương đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, trong đó hệ thống hạ tầng đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, cơ bản kết nối với các trung tâm phát triển trong tỉnh và kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới (2015-2020), đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.


Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh.
Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh vừa được khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Ảnh: XUÂN THI

Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư

Theo dự thảo các văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh, việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng bảo đảm mục tiêu phát triển, nâng cấp đô thị là định hướng phát triển cho giai đoạn 2015-2020. Theo đó, trong 5 năm tới, Bình Dương sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; định hướng phát triển giao thông phải đi trước một bước, tạo đà thúc đẩy sự phát triển; đồng thời là mũi nhọn đột phá quan trọng gắn với kết nối các trung tâm đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác...

Thực hiện mục tiêu nói trên, tỉnh sẽ tập trung thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các công trình giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh; đồng thời kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia.

Bình Dương cũng thực hiện từng bước ngầm hóa hệ thống điện trung, hạ thế khu vực đô thị tập trung phía nam; ngầm hóa hệ thống thông tin trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các nhà máy nước bảo đảm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, giáo dục và y tế.

Để có nguồn vốn đầu tư, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị. Đối với phát triển đô thị sẽ thực hiện theo 3 khu vực đô thị là đô thị trung tâm (TP.Thủ Dầu Một, đô thị Nam Tân Uyên và Bến Cát); đô thị phía nam (TX.Thuận An và TX.Dĩ An) và đô thị phía bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên); cùng với đó bảo đảm phát triển đồng bộ giữa khu vực đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn, trung tâm xã, phường...

Phát huy thành quả đạt được

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra định hướng phát phát triển trong giai đoạn 2016-2020 về đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng bảo đảm mục tiêu phát triển, nâng cấp đô thị trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015).

Kết quả đạt được trong 5 năm qua cho thấy, công tác quy hoạch phát triển và quy hoạch đô thị đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025. Về hạ tầng đô thị cũng được chú trọng đầu tư. Riêng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, khu dịch vụ - đô thị diện tích 1.600 ha với khu trung tâm 1.000 ha đã và đang thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật cao đến đầu tư.

Một số công trình trọng điểm như trung tâm đô thị mới, Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh; các công trình về dịch vụ, đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa... trong khu liên hợp cũng được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo sự lan tỏa và kết nối đến các trung tâm đô thị vệ tinh của tỉnh.

Đối với công tác chỉnh trang đô thị, thời gian qua Bình Dương đã tập trung nâng cấp đô thị và được Trung ương công nhận TP.Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại II; TX.Thuận An và TX.Dĩ An đang thực hiện thủ tục đề nghị công nhận đô thị loại III; TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Hoàn thiện một số trục kết nối vùng

Trong 5 năm qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, đặc biệt là các công trình thực hiện các chương trình đột phá của tỉnh. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh. Bình Dương cũng đã đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông hướng ngoại quan trọng, bảo đảm đồng bộ, liên hoàn; đồng thời ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến nay, không gian đô thị và đô thị vệ tinh trên địa bàn tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau; hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại; diện tích nhà ở bình quân đạt 23,5m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,6%...

Tỉnh cũng đã quy hoạch, lập dự án và triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông liên khu vực như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn... và các tuyến đường giao thông khu vực, giao thông nông thôn kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cùng với đó tập trung xây dựng các trục giao thông nội bộ liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với trung tâm Thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp...

Hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp cũng được cải tạo, xây dựng mới, chất lượng cung cấp điện được bảo đảm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Hạ tầng cấp - thoát nước được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Các dự án thoát nước ở khu vực đô thị và vùng ven được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục tình trạng ngập cục bộ và ngập úng ở các vùng trũng. Bình Dương cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ở TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An…

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, sở sẽ đôn đốc lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu của các thị xã mới thành lập và các đồ án quy hoạch trọng điểm của tỉnh; nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Sở sẽ phối hợp triển khai hoàn thiện một số trục kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng nước sâu, sân bay quốc tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp; cùng với đó phát triển dịch vụ vận tải, logistics phù hợp quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, một trong những việc ngành sẽ tập trung thực hiện trong 5 năm tới là triển khai đầu tư các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải cấp tỉnh, các công trình thoát nước trọng điểm phục vụ công tác chống ngập úng đô thị…

Dự kiến, trong 5 năm tới Bình Dương sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng chuẩn bị cho quá trình kết nối với giao thông khu vực TP.Hồ Chí Minh, nhất là tuyến ga Metro Suối Tiên TP.Hồ Chí Minh - Khu đô thị mới Bình Dương - Đồng Nai và tuyến xe buýt xung quanh TP.Thủ Dầu Một - Khu đô thị mới - Suối Tiên TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển giao thông đường thủy, kết hợp giữa vận tải và khai thác du lịch dân sinh.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên