Đầu tư xây dựng hạ tầng, động lực phát triển kinh tế và đô thị

Cập nhật: 06-02-2021 | 20:28:47

Với quyết tâm đổi mới và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong 24 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có những bước đột phá về đầu tư xây dựng hạ tầng, trở thành động lực phát triển kinh tế và đô thị theo hướng thông minh, văn minh, hiện đại.

Động lực phát triển

Trong không khí của những ngày xuân, có dịp ngược xuôi trên những tuyến đường nối từ Bình Dương đến các tỉnh, thành lân cận, hay những con đường kết nối các địa phương nội tỉnh mới thấy được sự đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, đã trở thành động lực đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của Bình Dương. Những hình ảnh này đã minh chứng về những quyết sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược “giao thông đi trước đón đầu” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ. Từ việc phát triển mạng lưới giao thông đã tạo động lực thu hút đầu tư, đưa kinh tế Bình Dương chuyển dịch mạnh mẽ.

Cùng với tuyến quốc lộ 13, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn được xem là 2 trục giao thông “xương sống” theo hướng bắc - nam của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc. Tuyến đường đi qua 5 địa phương, kết nối các khu công nghiệp lớn ở các địa phương huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An và TP.Dĩ An. Đây là tuyến đường cùng lúc đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại; góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh. Giờ đây, trong không khí phấn khởi chuẩn bị đón xuân mới Tân Sửu 2021, trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn rộng thênh thang, tấp nập phương tiện lưu thông, chở những chuyến hàng từ các nhà máy đến các kho cảng, như chở những niềm vui và khát vọng vươn ra biển lớn…

Nhiều dự án nhà ở văn minh, tiện ích hình thành tại thành phố mới Bình Dương đáp ứng tốt nhu cầu của cư dân

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn hôm nay

Trong giai đoạn 2012-2020, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng được chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… đáp ứng nhu cầu phát triển chung, đồng thời tạo nên diện mạo khang trang của đô thị. Nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung, giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh năm 2020, tỉnh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh từng bước đầu tư hoàn thiện các hệ thống giao thông theo phương thức xã hội hóa, công nghiệp hóa, giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm kết hợp với chỉnh trang đô thị.

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Dạo bước trong thành phố mới Bình Dương dưới ánh nắng vàng dịu nhẹ của mùa xuân, chúng tôi không khỏi dâng trào cảm xúc trước sức sống mới của một thành phố trẻ đang vươn mình mạnh mẽ cùng khát vọng trở thành thành phố thông minh. Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha là “lõi” hạt nhân của một Bình Dương hiện đại, năng động. Nơi đây được xác định là khu vực trở thành thành phố tri thức, kết nối giữa chính quyền - viện, trường - doanh nghiệp, nơi sống và làm việc của các nhà khoa học, nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, nơi thu hút các nhà đầu tư.

Hiện nay, tại thành phố mới Bình Dương có đầy đủ các loại hình phục vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của Bình Dương. Trên những con đường cửa ngõ đến những trục đường trong thành phố mới đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại, xanh sạch… là điểm nhấn, là hình ảnh ấn tượng về một thành phố trẻ trong mỗi người khi đến nơi đây. Bên cạnh đó là các dự án khu dân cư như Becamex City, Sora Garden, Midori Park, Hiraki được đầu tư xây dựng hiện đại, tạo không gian xanh thoáng đãng… góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và các nhà đầu tư tại Bình Dương, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển đô thị của tỉnh nhà.

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của tỉnh trong thời gian qua, điểm sáng thêm cho bức tranh đô thị là sự kiện 2 TX.Thuận An và Dĩ An được công nhận trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một); 4 đô thị loại III (TP. Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).

Trao đổi với ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng về những kết quả đạt được trong chương trình phát triển đô thị của tỉnh, ông Ngân cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2020, chương trình phát triển đô thị được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt. Huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng đô thị. Công tác nâng cấp đô thị được triển khai, thực hiện theo đúng lộ trình. Những kết quả này đã đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị của Bình Dương theo đúng định hướng. Trong giai đoạn 2021-2030, Bình Dương phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I, phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”.

Trong sắc màu rực rỡ của nắng xuân, trước sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của đô thị, hẳn rằng nhiều người phơi phới một niềm tin Bình Dương sẽ xây dựng thành công thành phố thông minh, văn minh, hiện đại.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên