Dạy học tích hợp liên môn: Phát huy tư duy, sáng tạo của học sinh 

Cập nhật: 02-12-2016 | 07:13:19

Hưởng ứng chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) đã triển khai trong giáo viên (GV) tổ chức dạy học tích hợp, liên môn. Trong số đó, có 2 GV đã thể hiện năng lực khi thực hiện hiệu quả dạy học tích hợp theo chủ đề, dự án.

 

 Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, ngoài thực hiện dạy học tích hợp, cô Loan còn tăng cường các tiết thực hành cho HS. Ảnh: H.THÁI

 Tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Loan, GV dạy môn vật lý chia sẻ, cô muốn đào tạo lớp học sinh (HS) thích học môn vật lý, rèn những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, giúp HS hoàn thiện bản thân và xem tiết học chính là niềm vui của các em. Với tâm huyết ấy, khi Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức dạy học tích hợp, cô đã vận dụng ngay vào bài dạy “Sử dụng an toàn và tiết kiệm điện”. Xem tiết dạy của cô mới thấy giờ học thật sinh động, môn vật lý nhưng HS vận dụng nhiều môn học khác như: tin học, văn học, mỹ thuật. Từng nhóm HS trình bày sự hiểu biết về an toàn và tiết kiệm điện. Các em vận dụng kiến thức môn tin học thông qua thuyết trình, làm sơ đồ tư duy. Nhóm khác thì diễn kịch về tiết kiệm điện và đưa ra phương án xử lý khi gặp tai nạn điện. Những em khác thì vẽ tranh biếm họa, sáng tác thơ hoặc sưu tầm thơ kêu gọi an toàn và tiết kiệm điện. Kết thúc phần trình bày của các em, cô Loan chỉnh sửa, đánh giá, nhận xét các nhóm và đưa ra kết luận. Thực hiện dạy học theo dự án như nêu trên, HS có khả năng vận dụng những kiến thức đã học để bảo đảm an toàn điện cho bản thân và gia đình, đồng thời rèn luyện các kỹ năng khác, giúp các em hứng thú, tích cực trong giờ học.

Cô Loan cho rằng, việc kết hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là hết sức cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với HS, đặc biệt là phương pháp dạy học theo dự án. Cô đã để HS chủ động tự tìm hiểu và tự trình bày kiến thức bài học để thu thập kiến thức thông qua các sản phẩm phục vụ học tập tích cực dưới sự hướng dẫn của GV. Các em tự tìm hiểu bài học và tự tạo được sản phẩm riêng cho nhóm mình, từ đó các em nắm được nội dung bài rất tốt, thể hiện tối đa khả năng sáng tạo, tư duy giúp các em chủ động, tích cực tham gia bài học.

Với tiết dạy này, năm học 2015-2016 cô tham gia cuộc thi dạy học tích hợp do Bộ GD-ĐT phát động, kết quả cô đã xuất sắc đoạt giải nhất cấp quốc gia. Cũng trong năm học này có 2 HS do cô bồi dưỡng đạt HS giỏi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Với những thành tích ấy, trong năm học qua cô đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Là GV dạy môn ngữ văn, nhưng có những tiết dạy cô Nguyễn Tiến Thủy đã kết hợp các môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc vào giảng dạy. Cô nhận thấy việc kết hợp kiến thức các môn học để giải quyết một vấn đề nào đó là việc làm vô cùng cần thiết, đòi hỏi người dạy không chỉ nắm chắc môn mình dạy mà còn phải không ngừng trau dồi kiến thức các môn học khác để có thể tổ chức, hướng dẫn HS giải quyết các tình huống, các vấn đề đặt ra một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với phương pháp mới này đòi hỏi các em phải biết tổng hợp, huy động kiến thức ở nhiều môn học khác nhau để giải quyết các vấn đề đặt ra, cũng nhờ vậy mà HS sẽ hiểu rộng hơn, sâu hơn và nắm chắc kiến thức hơn. Tích hợp trong giảng dạy sẽ giúp cho HS phát huy sự tư duy, linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong học tập, cũng như ứng dụng vào thực tế đời sống, bởi học theo hình thức này thầy trò không chỉ dạy và học trên lý thuyết mà bắt buộc phải dạy và học trên thực tiễn, từ thực tiễn và gắn với thực tiễn…

Cô Thủy đúc kết, ngày nay HS ngán học văn do nội dung, kiến thức nặng, các em không có nhiều thời gian đầu tư cho môn học. Với trách nhiệm của người GV, cô cố gắng giúp HS thấy được trách nhiệm, tầm quan trọng của môn học, vì đây là 1 trong 3 môn thi vào lớp 10. Cô dần hình thành cho các em sự yêu thích môn học qua trò chuyện, động viên, phương pháp dạy, qua kiểm tra đánh giá... Tương tự cô Loan, năm học 2015- 2016 cô Thủy cũng gửi bài dự thi dạy học tích hợp cấp quốc gia và dự án của cô đã đoạt được giải khuyến khích.

Dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực HS. Đây là một trong những nội dung hoạt động trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

H.THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X