Đẩy mạnh phát triển gạch không nung trong xây dựng

Cập nhật: 14-09-2018 | 06:00:40

Thực hiện Quyết định số 567 ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) trong các công trình xây dựng, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế gạch đất sét nung. Kết quả bước đầu cho thấy, việc thực hiện các chỉ đạo nói trên trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan.   

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 05/2013 về việc tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết nhằm khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXDKN, tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08 ngày 20-3-2018 và Kế hoạch số 1961 ngày 11-5-2018 về việc thực hiện lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất VLXDKN. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Hass, Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương… với công suất 350 triệu viên/năm; trong đó gạch bê tông khí chưng áp AAC 144,3 triệu viên/năm, gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông 50 - 100 triệu viên/năm.

Các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng VLXDKN trong xây dựng sẽ góp phần giảm giá thành xây dựng và góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Xưởng sản xuất các sản phẩm gạch không nung của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Ảnh: HOÀNG PHẠM

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Hass, cho biết nhằm tăng cường đổi mới VLXD, công ty đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung (GKN) theo công nghệ Đức ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên. Các sản phẩm GKN chính của công ty gồm gạch Block, gạch U Block, gạch O Block, gạch tường, gạch sàn nhà… Ngoài ra, công ty còn cung cấp các trang thiết bị, vật liệu hỗ trợ xây dựng như vữa xây mạch mỏng, vữa tô, bột trét. Các sản phẩm của công ty đã được sử dụng trong nhiều công trình trong và ngoài tỉnh như Aeon Mall Bình Dương, Vincom Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng 3, VTV Khánh Hòa…

Giảm sản xuất gạch đất sét nung

Về lộ trình giảm sản xuất gạch đất sét nung được tỉnh triển khai từ 2005-2014, trong đó chấm dứt hoạt động các lò gạch đất sét nung có công nghệ lạc hậu như lò thủ công, lò vòng (lò Hoffman). Bà Hảo cho biết, năm 2005 tỉnh đã hoàn thành di dời hết các lò thủ công ra khỏi khu dân cư tại các thị trấn, các xã đông dân cư trong tỉnh; đến năm 2010 đã hoàn thành chấm dứt các lò gạch thủ công và đến hết quý III-2016 hoàn thành chấm dứt lò vòng.

Để thực hiện lộ trình giảm dần việc sản xuất và sử dụng đất sét nung trên địa bàn tỉnh, theo Kế hoạch 1961 ngày 11-5-2018 của tỉnh Bình Dương, sẽ áp dụng công nghệ lò tuynel trong thời gian từ 2018-2020 và giai đoạn sau năm 2020. Theo đó, tỉnh lập danh sách quy định thời gian chấm dứt hoạt động đối với 41 lò gạch tuynel đã có cam kết hoạt động đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp các cơ sở, người dân hiểu và mạnh dạn sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thời gian thi công… tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất có điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, các loại GKN trên thực tế vẫn sử dụng một phần vật liệu đã qua nung để làm vật liệu liên kết. Do đó, trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô của từng DN, cơ sở sản xuất và đề nghị các DN đã triển khai các công nghệ mới trong sản xuất VLXDKN chia sẻ kinh nghiệm, cũng như lựa chọn công nghệ.

HOÀNG PHẠM

Kiên quyết xóa bỏ lò gạch thủ công, lạc hậu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòm sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt, vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, phù hợp với các chỉ tiêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với gạch đất sét nung bảo đảm (lò tuynel sản xuất theo công nghệ tiên tiến; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao; tăng năng suất lao động; giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu; bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định); khuyến khích đầu tư xây dựng các loại vật liệu thay thế không dùng nguyên liệu đất sét.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung có hiệu quả.

THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên