Đẩy mạnh quản lý thị trường, bảo vệ thương hiệu Việt

Cập nhật: 15-03-2019 | 08:29:35

Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các thương hiệu Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thực tế này cũng đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có cách làm mới, tư duy mới trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bảo vệ thương hiệu Việt

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Bình Dương, cho biết nhiều công ty giày da hiện nay đang đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường trong nước, song điều mà các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn nhất là vấn nạn hàng gian, hàng giả. Hàng gian, hàng giả trên thị trường hiện nay bao gồm hai loại chính, một là hàng giả mạo các thương hiệu lớn của nước ngoài được nhập lậu vào Việt Nam; hai là hàng do chính những đơn vị gia công nhỏ lẻ của Việt Nam sản xuất. Cả hai mặt hàng này đều tạo ra những rào cản, làm ảnh hưởng rất lớn đến các thương hiệu sản xuất trong nước.

Ông Vũ đề xuất, chúng ta cần đẩy mạnh công tác QLTT, tạo kiện để DN trong nước phát triển thương hiệu Việt. Ông cũng mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt tại các chợ lớn để phát hiện ra thương hiệu giả mạo từ nước ngoài. Đối với hàng hóa sản xuất tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trong nước, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết triệt để vấn nạn này, giúp các thương hiệu Việt chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà.

Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra các kho hàng trên địa bàn. Ảnh: TIỂU MY

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hàng ngoại giá rẻ đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam, với nhiều thương hiệu nổi tiếng ngang nhiên bị giả mạo. Đây cũng chính là một trong những rào cản để DN dệt may nước ta đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Bà Trang cho biết, dù các DN trong nước nhận thức rõ việc chiếm lĩnh thị trường nội địa trong xu thế hội nhập là bước đi bền vững song là quá khó để DN Việt cạnh tranh, khi mà các mặt hàng lậu tràn lan.

Ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương, cho hay hiện nay lực lượng QLTT gặp khó khăn khi kiểm soát hàng gian, hàng giả do chưa có sự cộng tác tích cực của các DN có hàng hóa bị giả mạo, vì các DN e ngại ảnh hưởng đến thương hiệu của mình. Trong khi đó, muốn kiểm tra việc vi phạm về hàng giả lực lượng chức năng cần có đơn tố giác từ phía đơn vị bị làm giả mạo thương hiệu. Đối với người kinh doanh bị phát hiện làm, kinh doanh hàng giả, mặc dù bị xử lý vi phạm nhiều lần nhưng vì lợi nhuận nhiều người vẫn không cộng tác khai báo nguồn gốc, nơi sản xuất hàng hóa với cơ quan chức năng nên công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các lực lượng chức năng và toàn xã hội.

Nâng chất hoạt động của lực lượng QLTT

Phát biểu tại hội nghị ngành QLTT Bình Dương năm 2018, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, đã yêu cầu ngành QLTT tỉnh trong thời gian tới cần tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; nâng cao năng lực công tác cho lực lượng QLTT. Ông cũng đề nghị ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm...

Ông Linh cho biết, để đạt được kỳ vọng mà Chính phủ và Bộ Công thương mong muốn, lực lượng QLTT đã xác định phải có một cách làm mới theo tư duy mới. Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp đã đề ra, tới đây ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho DN và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, quyền sở hữu trí tuệ...

Ghi nhận cho thấy, hiện nay, nhiều DN, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý...

Ông Tùng cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với những mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá, rượu, hàng may mặc, hàng thời trang, xăng dầu, gas… Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng; tăng cường vàđổi mới công tác trinh sát, xây dựng cơ sởnhằm phát hiện kịp thời vàxửlýnghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sởhữu trítuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên