Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 11-03-2015 | 08:21:14

“Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp kỹ thuật cao (NNKTC) gắn với công nghiệp chế biến là chủ trương, chính sách mới, định hướng mới, đặt nền móng cho nhiệm kỳ mới và là cú hích quan trọng, có nghĩa thiết thực trong phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế Bình Dương nói chung”. Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh thông qua báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình của Tỉnh ủy) vào chiều qua (10-3).

 Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến góp phần nâng cao năng suất, phát triển kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Mô hình trồng cây cà chua trong nhà lưới của nông dân ở TX.Bến Cát Ảnh: P.LÊ

Hiệu quả cao

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 26-CTr/TU về “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”.

Thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình của Tỉnh ủy, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh đã tăng trưởng ổn định bình quân ở mức 4%/ năm. Tính đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo giá so sánh đạt 14.272 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2013 và 15,6% so với năm 2010. Đến cuối năm 2014, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là 3%. Cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp đạt tỷ lệ tương ứng 66,7% - 29,4% - 3,9%. So với năm 2010, đến cuối năm 2014, tổng diện tích cây lâu năm đạt 140.569,5 ha, tăng 1.959,5 ha; tổng đàn gia súc đạt 504.540 con, tăng 19,2%; tổng đàn gia cầm đạt trên 6 triệu con, tăng 112%; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 392,9 ha, giảm 5,1 ha.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy, tình hình NNĐT, NN KTC trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, hoa lan, cây cảnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương... góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đã đầu tư sử dụng hệ thống chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh góp phần tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

4 năm qua, Bình Dương cũng đã triển khai thực hiện 933 điểm trình diễn mô hình khuyến nông; 129 điểm nghiên cứu đồng ruộng (IPM cộng đồng). Tỉnh cũng đã tổ chức trên 1.100 lớp tập huấn, hội thảo với trên 42.500 lượt người tham dự; đồng thời tổ chức 115 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm về các mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh cho gần 4.000 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ, tỉnh đã thực hiện 19 đề tài, dự án. Thông qua các chương trình, dự án triển khai chuyển giao công nghệ đã nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ của địa phương, cán bộ khuyến nông và người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển từ ngân sách cho các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hoạt động khuyến nông, phòng chống dịch bệnh, xúc tiến thương mại… đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là NNĐT, NN KTC...

Xây dựng nhiều chương trình phù hợp

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, thực hiện các chính sách, chương trình phát triển của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến, thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện đã phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại các trang trại vườn cây có múi đã cho năng suất cao như các trang trại trồng cam, quýt cho thu nhập 600 triệu đồng/ha và xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm có múi như thương hiệu bưởi Phương Uyên. Kết quả này đã góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời khẳng định hướng đi mới đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Triển khai thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy, Bình Dương đã xây dựng chương trình phát triển NNKTC như quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu NNKTC với tổng diện tích 979,71 ha, gồm xã An Thái, huyện Phú Giáo 411,75 ha; xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên 78,5 ha; xã Tân Hiệp - Phước Sang, huyện Phú Giáo 471,86 ha; xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên 17,6 ha. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dựng vào sản xuất; tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80 - 100%. Bên cạnh đó, 100% diện tích canh tác lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; trên 90% đàn heo, gia cầm được nuôi tập trung gắn với vùng an toàn dịch bệnh (tăng 10% so với năm 2010), trong đó 80% đàn gia cầm và 28% đàn heo được áp dụng KTC vào chăn nuôi.

Thực hiện chương trình phát triển NNĐT, nông nghiệp sinh thái, Bình Dương đã phê duyệt nhiều đề án phát triển như Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1878/QĐ- UBND ngày 1-8-2013 với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái chủ yếu ở khu vực ven các sông lớn chảy qua địa phận của tỉnh; đề án phát triển NNĐT vùng phía nam Bình Dương... Song song đó, Bình Dương đã triển khai xây dựng dự án đầu tư phát triển vườn cây ăn quả xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2015-2017; dự án phát triển vườn cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên giai đoạn 2013-2015. Tỉnh cũng đã thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ hiện đại ứng dụng KTC gắn với chế biến và bảo vệ môi trường…

Kết luận tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến là một trong những chương trình lớn, mang tầm quan trọng của Tỉnh ủy. Chương trình là chủ trương, chính sách mới, định hướng mới, đặt nền móng cho nhiệm kỳ mới và là cú hích quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển ngành NN nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh nói chung. Để thực hiện chương trình hiệu quả, ông Trần Văn Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 77-CTHĐ/ TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”; đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản lượng trên một ha đất canh tác. Trong đó ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng KTC vào sản xuất; đồng thời tích cực tuyên truyền chương trình nhằm nâng cao nhận thức, tư duy của người dân.

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên