Đề án giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến: Cần có các chương trình hành động cụ thể

Cập nhật: 13-09-2014 | 09:04:39

Tỉnh đoàn Bình Dương đang xây dựng, hoàn thiện đề án Giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến (TTNCT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2017 nhằm mục tiêu mở rộng, tăng cường công tác giúp đỡ, hỗ trợ và cảm hóa TTNCT.

 Cho ý kiến về đề án này, trong buổi làm việc với Tỉnh đoàn vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Từ đã yêu cầu làm rõ thêm các nội dung của đề án để bảo đảm thực hiện tốt công tác giáo dục, cảm hóa TTNCT…

 CLB Thắp sáng niềm tin phường Hưng Định, TX.Thuận An là mái nhà chung giúp đỡ TTNCT hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Trong ảnh: Ra mắt Ban Chủ nhiệm CLB

Từ thực trạng

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lượng dân ngoài tỉnh, đặc biệt là thanh niên (TN) đến sinh sống và làm việc khá đông. Điều này cũng khiến cho tình hình an ninh trật tự (ANTT), trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Đây là một thách thức lớn đối với các tổ chức làm công tác quản lý, giáo dục TN. Nhiều năm qua, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh đã xây dựng những mô hình hoạt động hướng đến các đối tượng TN nghiện ma túy, đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương, đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ phạm tội… thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ (CLB), nhóm TN như: Nhóm “Đồng đẳng”, nhóm “Bạn giúp bạn”, CLB “Thắp sáng niềm tin”, “Vì tương lai”… qua đó đã cảm hóa được nhiều TN, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, Tỉnh đoàn cũng đã xây dựng đề án giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ TTNCT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2017 nhằm mục tiêu mở rộng, tăng cường công tác giúp đỡ, hỗ trợ và cảm hóa TTNCT; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tình yêu đất nước, quê hương, gia đình; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo nghề và việc làm cho TTNCT sau khi được cảm hóa; kiềm chế thanh thiếu niên vi phạm pháp luật…

Xây dựng các giải pháp

Để đề án thực hiện hiệu quả, Tỉnh đoàn đã đề ra những giải pháp khá cụ thể, trong đó, chú trọng thực hiện công tác truyền thông. Thực hiện giải pháp này, Ban Chủ nhiệm các CLB phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để thực hiện việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình đề án giúp đỡ cho thanh thiếu niên như đề án giúp đỡ hộ TN nghèo, phổ cập nâng cao kiến thức tin học, các nguồn vốn vay cho TN… qua các kênh thông tin như báo Bình Dương, chương trình phát thanh TN, truyền hình TN và thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp, thông qua các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các diễn đàn…

Mục tiêu của đề án phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn thành lập hoặc củng cố, duy trì hiệu quả các CLB, nhóm cảm hóa TTNCT. Trong năm đầu tiên triển khai đề án, mỗi xã, phường, thị trấn giáo dục cảm hóa ít nhất 1 TTNCN, giúp đỡ cho ít nhất 1 TTNCN; tổ chức cho TTNCT gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh; tổ chức chương trình thắp sáng niềm tin cấp huyện, cấp tỉnh; sau 1 năm triển khai, 100% TTNCT được tiếp cận và thụ hưởng các nội dung, chương trình của đề án… 

Đặc biệt, Tỉnh đoàn cũng chú trọng gắn việc học tập và làm theo lời Bác để tuyên truyền, giáo dục TTNCT. Các giải pháp lồng ghép đề án, chương trình của các sở, ngành, thu hút nguồn lực xã hội giáo dục, cảm hóa các đối tượng TTNCT cũng được quan tâm. Theo đó, đề án còn có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể; trong đó, tổ chức Đoàn làm nòng cốt để vận động các đối tượng thanh thiếu niên đã được cảm hóa vào tổ chức Đoàn, Hội; phối hợp thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ về việc làm, hỗ trợ về vốn… Các ngành có liên quan như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tư pháp… sẽ xây dựng các chương trình phối hợp để chăm lo, cảm hóa TTNCT. Trong đó, tập trung đáp ứng nhu cầu học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe… và nâng cao khả năng tiếp cận cộng đồng cho các đối tượng.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng đưa ra các giải pháp như khảo sát, phân loại đối tượng; thành lập các tổ đồng hành, CLB để giáo dục, cảm hóa TTNCT; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho Ban Chủ nhiệm các CLB, tổ đồng hành từ tỉnh đến cơ sở nhằm trang bị các kỹ năng tiếp cận, vận động, cảm hóa các đối tượng TTNCT… Công tác biểu dương, khen thưởng cho các đối tượng TTNCT đã được giáo dục, cảm hóa tốt, vươn lên trong cuộc sống cũng là một giải pháp đã được Tỉnh đoàn nêu trong đề án.

Trong buổi làm việc mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Từ đã đánh giá cao dự thảo đề án. Song song đó, để đề án được triển khai hiệu quả, ông đã yêu cầu Tỉnh đoàn cần làm rõ thêm các nội dung như xem xét lại các đối tượng cần cảm hóa, giáo dục; cần có các chương trình hành động cụ thể hướng đến từng đối tượng. Đặc biệt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Từ cho rằng, cần phải quan tâm đến nhóm đối tượng trẻ vị thành niên; phân loại từng nhóm giải pháp trọng tâm của đề án… Từ giải pháp đến việc tổ chức thực hiện phải gắn kết với nhau, phân loại từng nhóm giải pháp, mỗi giải pháp phải xác định rõ chủ thể. Bên cạnh đó, trong giải pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cần phải có sự phối hợp với gia đình của TTNCT, vì gia đình là nơi gần gũi nhất đối với TN. Sự hợp tác từ phía gia đình sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục TTNCT.

NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên