Đề án “Xe buýt xanh - Bù giá sạch”: Mang lại nhiều tiện ích cho hành khách

Cập nhật: 06-03-2018 | 05:42:51

UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục nghiên cứu nâng cao hơn nữa chất lượng Đề án “Xe buýt xanh - Bù giá sạch”, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm mang lại nhiều tiện ích cho hành khách. Đề án hứa hẹn đem lại sự thay đổi quan trọng cho việc vận hành vận tải hành khách công cộng.

 Giải pháp hỗ trợ

Dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu tại một số địa phương, Sở Giao thông - Vận tải đã đề xuất giải pháp kéo giảm chi phí, hỗ trợ chính sách cho xe buýt hoạt động, như: Miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm sửa chữa, bảo dưỡng, bãi đỗ xe cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng; hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn, kể cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để doanh nghiệp mua sắm, đổi mới phương tiện; miễn giảm thuế nhập khẩu... Các giải pháp này cơ bản phù hợp với nguyện vọng của một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách công cộng.

 Hành khách lên xe buýt tại Bến xe khách tỉnh. Ảnh: DUY CHÍ

Để xe buýt phát triển ổn định, bền vững, ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, cho rằng việc hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp có điều kiện thay đổi phương tiện chỉ là một trong những điều kiện cần để duy trì hoạt động xe buýt. Bởi vì so với tổng chi phí để xe buýt hoạt động tốt, giá vé phù hợp thì việc hỗ trợ lãi suất để mua sắm phương tiện, xe mới chiếm tỷ trọng rất thấp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp có xe mới, được hỗ trợ lãi suất để trả nợ vẫn chưa đủ điều kiện để kéo giảm giá vé về mức hợp lý.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa được các nhà chuyên môn chia sẻ: Muốn xe buýt hoạt động tốt thì Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phải tốt hơn; ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin vào trong quản lý theo hướng đồng bộ hóa, nhất thể hóa. Vì vậy, đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng nếu được trên hỗ trợ thì nên quan tâm đến 2 vấn đề chính là: Nâng cao chất lượng quản lý theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại một cách đồng bộ song song với việc nâng cao đời sống, thu nhập của những người lao động trực tiếp và gián tiếp của chung cả hệ thống chứ không riêng gì người lái, nhân viên phục vụ...

Đề án cũng phải “thông minh”

Trực tiếp chủ trì nghe lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải trình bày Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh không có xe buýt thì không thể có đô thị. Các nước như Anh, Nhật Bản, Singapore... nhờ có sự hỗ trợ mạnh cho xe buýt mà đô thị của họ rất an toàn, văn minh, tiện lợi.

Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh thì Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng phải thông minh, bằng cách ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại nhằm mang lại tiện tích tốt nhất cho người dân. Cụ thể là phải có đầy đủ nhà chờ, trạm dừng đỗ theo đúng quy định, không để hành khách phải đi bộ quá xa hoặc xe buýt buộc phải đón trả khách không đúng quy định do không có điểm dừng đỗ trên đường.

Ông Liêm cũng lưu ý, hiện nay, phần lớn người dân đã sử dụng điện thoại thông minh. Qua thiết bị này, hành khách phải biết: Còn mấy phút nữa xe buýt sẽ đến trạm đón mình; xe buýt đón mình là xe buýt màu gì, tuyến số mấy; di chuyển trên xe buýt mất mấy phút để đến được nơi cần đến... Do vậy, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành hành khách công cộng cũng phải làm tốt chức năng thông tin, hướng dẫn. Ví dụ, phải kịp thời thông báo những điểm kẹt xe, đang kẹt xe, sự cố, tại nạn... để các phương tiện tham gia giao thông tìm cách né tránh, góp phần sớm giải tỏa ùn tắc theo hướng thông minh, hiệu quả.

Đối với vấn đề yêu cầu hỗ trợ đổi mới phương tiện, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, đoàn thể liên quan quản lý nguồn vốn để hỗ trợ xã viên, hợp tác xã, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, cho biết sở được UBND tỉnh giao quản lý khoa học, thẩm định đề án, phương tiện theo thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã có điều kiện kinh doanh, có tay nghề và có yêu cầu vay vốn mua sắm, đổi mới phương tiện để kinh doanh vận tải hành hành khách công cộng thì lập đề án, sở sẽ xem xét, hướng dẫn, hỗ trợ theo thẩm quyền. Khi đề án được thông qua, sở sẽ tiếp tục giới thiệu phương án hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (4%/năm) cho doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã thực hiện các bước tiếp theo.

Nhằm khuyến khích các nhà doanh nghiệp, xã viên, hợp tác xã, đặc biệt là với thanh niên có hoài bão khởi nghiệp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định người dân có tay nghề, có hoài bão lập nghiệp, khởi nghiệp không phải lo thiếu vốn. Nếu ai có đề án, phương án khả thi sẽ có rất nhiều nguồn quỹ để hỗ trợ.

Bằng giải pháp hỗ trợ toàn diện, chuyên sâu, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, Đề án “Xe buýt xanh - Bù giá sạch” hứa hẹn sẽ có nhiều đổi thay quan trọng trong công tác vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, hướng đến đô thị Bình Dương thông minh, thân thiện với mọi người.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên