Đề cao tầm quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em

Cập nhật: 24-11-2017 | 06:01:58

Ngày 1-6-2017, Luật Trẻ em (TE) 2016 chính thức có hiệu lực, đề cao tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của TE trên nhiều lĩnh vực. Để hiểu rõ hơn về quyền TE và Luật TE 2016, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Xin bà cho biết những điểm mới của Luật TE 2016 mà bà tâm đắc nhất?

- Luật TE được kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016. Luật TE năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều) và có hiệu lực từ 1-6-2017.

Những điểm mới trong Luật TE: Về tên gọi, trước đây là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, nay được đổi tên gọi thành Luật TE để phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật. Tôi rất tâm đắc các quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của TE như: Quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội “TE được tham gia vào các vấn đề về TE”; các biện pháp bảo vệ TE ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho TE; trách nhiệm thực hiện quyền TE; các hành vi vi phạm quyền TE bị nghiêm cấm đã được quy định trong Luật TE…

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho trẻ em khó khăn

- Những hành vi nào được coi là vi phạm quyền TE và so với quy định trước đây thì những quy định này có gì khác, thưa bà?

- Luật TE quy định cụ thể về 15 hành vi bị nghiêm cấm, như: Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về TE bị xâm hại hoặc TE có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; kỳ thị, phân biệt đối xử với TE; bán cho TE hoặc cho TE sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho TE…

Luật cũng quy định, khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến TE, phải xem xét ý kiến của TE và của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Luật TE cũng quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền TE và bảo vệ TE, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Tháng hành động vì TE vào tháng 6 hàng năm và Quỹ Bảo trợ TE cũng được quy định trong luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE và vận động nguồn lực cho TE.

- Xin bà cho biết cá nhân và tổ chức nào có trách nhiệm bảo đảm những quyền và lợi ích hợp pháp này của TE?

- Để bảo đảm những quyền và lợi ích hợp pháp của TE, Luật TE đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền TE, bao gồm Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.

Công tác TE liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật TE quy định về tổ chức phối hợp liên ngành về TE để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc các hoạt động nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền TE giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức và các địa phương. Luật TE cũng đã quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của TE là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Thưa bà, đối với TE có hoàn cảnh đặc biệt thì việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ được quy định như thế nào?

- Về bảo vệ TE, Luật TE quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ TE (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ TE; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ TE trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ TE. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ TE ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với TE có hoàn cảnh đặc biệt. Quy định rõ về chăm sóc thay thế nhằm bảo đảm TE được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của TE.

- Xin cám ơn bà!

HUỲNH THỦY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên