Để đặc sản bay xa

Cập nhật: 28-11-2015 | 08:28:30

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu, tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối… là những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản vùng, miền đã được nêu ra tại một hội thảo mới đây do Bộ Công thương tổ chức. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bài toán làm sao để các sản phẩm nông nghiệp đặc sản bay xa cần thiết phải sớm có lời giải.

 Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, có nhiều sản vật ở hầu hết các vùng miền, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường thế giới với vị thế dẫn đầu. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, nước ta đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và trên 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau. Việc sản xuất các mặt hàng đặc sản vùng miền đã đem lại thu nhập và việc làm cho trên 10 triệu lao động ở các vùng nông thôn.

Tại Bình Dương, hàng năm bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ), người dân lại tìm về Lái Thiêu để du lịch dã ngoại tại những vườn cây xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành. Vườn cây trái Lái Thiêu đã có khoảng 200 năm tuổi với nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam bộ như sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, nổi bật nhất là măng cụt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng còn có đặc sản khác nổi tiếng trong vùng như bưởi Bạch Đằng, quýt Hiếu Liêm…

Mặc dù tiềm năng cũng như nhu cầu đối với các đặc sản nông sản của cả nước và địa phương rất lớn nhưng việc phát triển để các thương hiệu này bay xa hiện còn nhiều hạn chế. Đó là sự nhận thức và đánh giá vai trò về việc phát triển sản phẩm và thương hiệu đặc sản chưa có được nhiều sự quan tâm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các đặc sản vùng miền là việc thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình bảo đảm chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong liên kết và phát triển sản phẩm. Đặc biệt là thiếu liên kết liên khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Trong khi đó, ngay trên thị trường trong nước, các mặt hàng nông sản cùng loại của Trung Quốc thì đã xuất hiện nhan nhản, với giá thành rẻ hơn, cũng tạo ra những khó khăn trong việc phát triển sản xuất các mặt hàng đặc sản vùng miền. Hội nhập đang tạo ra những cơ hội cho xuất khẩu nói chung và xuất khẩu các mặt hàng đặc sản nói riêng, nhưng thách thức cạnh tranh trên thị trường ngay tại “sân nhà” cũng sẽ rất lớn. Chính vì vậy, việc tìm thêm những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, giúp các thương hiệu đặc sản vùng miền của đất nước, địa phương bay xa là một trong những việc cần làm ngay trước khi quá muộn. 

 ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên