Để hàng Việt lan tỏa thị trường nông thôn

Cập nhật: 09-10-2018 | 08:25:59

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những giải pháp hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, cơ hội để hàng Việt Nam đứng vững tại địa bàn nông thôn cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh như Mega Martket, Big C, Lotte, Vinmart… đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hoặc thông qua những hoạt động cụ thể để kết nối người tiêu dùng nông thôn với các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, các địa phương như TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An, TX.Thuận An… đã có sự liên kết với hệ thống phân phối tại địa phương để tạo ra chuỗi đưa hàng hóa về nông thôn. Siêu thị Co.opmart Bình Dương là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng hàng Việt về nông thôn, với trung bình 20 chuyến hàng lưu động/năm. Những mặt hàng siêu thị phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước, mức giá bán giảm từ 5 - 50% so với giá thị trường.

Tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Thủ Dầu Một và Ban Quản lý chợ đã thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc thành lập Tổ hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ, cơ cấu những tiểu thương gương mẫu, có uy tín vào ban phụ trách nhằm kết nạp tiểu thương vào tổ hội. Hiện tổ hội này đã kết nạp trên 380 hội viên. Cùng với đó, Ban Quản lý chợ thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, treo băng rôn có nội dung vận động người dân, tiểu thương mua, bán hàng sản xuất trong nước…

Khách hàng chọn mua hàng Việt tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở xã Phú An, TX.Bến Cát. Ảnh: TRÚC HUỲNH

Anh Trần Văn Ánh, người dân khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, chia sẻ đến các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, gia đình anh chủ yếu mua đồ ăn, nước mắm cùng nhu yếu phẩm khác. Thời gian qua, sản phẩm được các nhà bán lẻ bán tại các phiên chợ khá đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt nên anh yên tâm khi mua về sử dụng.

Thời gian gần đây, thông qua việc đưa hàng hóa về nông thôn, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đã dần nắm bắt tốt những chuyển biến về nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn, từ đó tổ chức cung ứng các mặt hàng cho thị trường nông thôn tốt hơn. Cụ thể như các sản phẩm của Vinamit, Mỹ Hảo, bánh kẹo Kinh Đô, bóng đèn phích nước Rạng Đông… có chất lượng cao đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trên thị trường nói chung, khu vực nông thôn trong tỉnh nói riêng.

Cần sự nỗ lực chung

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tổ chức các chuyến hàng về nông thôn trên địa bàn tỉnh mới giải quyết được nhu cầu trước mắt, chưa trở thành kênh cung cấp hàng hóa lâu dài, ổn định cho người dân nông thôn. Chính vì vậy công tác quy hoạch mạng lưới tiêu thụ ở các vùng nông thôn cần được các cấp, các ngành xúc tiến nhanh.

Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Bình Dương, từng chia sẻ trước hết chúng ta phải nhận thức rõ tiềm năng ở thị trường nông thôn khá lớn. Tuy vậy, hệ thống phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện ích chưa vươn đến hết các khu vực nông thôn trong tỉnh. Chính vì vậy, các ngành chức năng, địa phương cần xem lại hệ thống phân phối xem chỗ nào còn trống, vắng thì có giải pháp bổ sung kịp thời; có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư về quỹ đất, vốn, thuế… Hiện dư địa ủng hộ cho các siêu thị ở địa bàn nông thôn không có nhiều, bản thân các doanh nghiệp đang phải tìm những biện pháp hữu hiệu để vươn tới thị trường nông thôn.

Theo ông Khương, để sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam chiếm được niềm tin của khách hàng trong và nước ngoài rất cần có những doanh nghiệp tiên phong không ngừng sáng tạo và khẳng định vai trò rường cột của mình trong việc định vị sản phẩm, lấy được niềm tin khách hàng và xây dựng thương hiệu hiệu quả.

Nhận định về một số khó khăn trong công tác triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TX.Dĩ An cho rằng hiện nay, hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường còn nhiều, phức tạp. Một số đối tượng, tiểu thương còn kinh doanh hàng hóa vi phạm về thương mại, từ đó gây tâm lý lo lắng và e ngại hàng ngoại đội lốt hàng sản xuất trong nước trong nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam TX.Dĩ An đã kiến nghị ngành chức năng khi tổ chức các hội chợ hàng Việt hay các phiên chợ hàng Việt cần quan tâm đến khâu giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa, hạn sử dụng hàng hóa; có biện pháp xử lý hiệu quả khi người bán vi phạm. Đối với các nhà sản xuất phải quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã, cùng với đó là chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm… Có như thế hàng Việt mới cạnh tranh tốt so với hàng ngoại nhập.

Thời gian gần đây, một số mặt hàng của Trung Quốc đã “đội lốt” hàng Việt để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã được người dân tin dùng bởi hàng hóa an toàn, uy tín, chất lượng và giả cả hợp lý. Trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nước ngoài, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa quan trọng, mang lại những hiệu quả tích cực và đưa nhiều sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đến gần hơn với người dân nông thôn. Chính vì thế, để hàng Việt lan tỏa trên thị trường cần sự nỗ lực hơn nữa từ các ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên