Dịch cúm gia cầm: Không thể chủ quan!

Cập nhật: 20-04-2013 | 00:00:00
Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và nguồn dịch do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Vì vậy cần chủ động giám sát, phát hiện và khống chế nhanh các ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.    Tiêm phòng cúm gia cầm kịp thời để ngăn nguồn dịch

 Nguồn dịch đáng lo ngại

Tháng 4-2013 có thể coi là thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm tại khu vực châu Á. Theo số liệu thống kê mới nhất, Trung Quốc đã có 87 ca nhiễm cúm A (H7N9), trong đó có 18 người tử vong. Tại Campuchia, từ đầu năm 2013 đến nay, cúm gia cầm H5N1 đã làm chết 8 người, trong đó có 6 trẻ em, đã có hơn 13.000 con gà bị tiêu hủy hoặc chết vì căn bệnh dễ lây lan này. Ở trong nước, tại Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL có trường hợp tử vong do cúm H5N1 trên người (bé trai 4 tuổi tại xã Tân Hội Trung, TP.Cao Lãnh). Trước đó cơ quan thú y đã phát hiện ra các mẫu dương tính với virus H5N1 từ chim yến chết (khoảng 4.000 con) tại tỉnh Ninh Thuận và phát hiện thêm 177 con chim trĩ tại Tiền Giang dương tính với virus H5N1.

Sự bùng phát của dịch bệnh cộng với nạn buôn bán gia cầm lậu ngày càng tinh vi, tập tục chăn nuôi gia cầm kiểu chạy đồng, nhỏ lẻ cùng với tâm lý chủ quan, chưa trang bị đầy đủ kiến thức về chăn nuôi… đang là những mối lo ngại cận kề khiến nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào!

Khó kiểm soát dịch từ đàn chim

Sở dĩ đàn chim yến trở thành mối lo ngại hàng đầu của các ngành chức trách là do tất cả các mẫu thịt chim yến chết tại Ninh Thuận lấy xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với cúm A/ H5N1. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Chim yến sống  hoang dã, dù được nuôi nhưng cũng đi kiếm mồi khắp nơi nên có thể chúng không chết gần tổ khi bị nhiễm cúm mà chết trên đường kiếm ăn nên thực sự khó kiểm soát nguồn lây nhiễm này”.    Phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh

Tại Bình Dương, theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú y, hiện cả tỉnh có hơn 5 triệu con gia cầm. Trong đó, trang trại chiếm hơn 4 triệu con, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm hơn 1 triệu con. Riêng số liệu thống kê chưa đầy đủ (tháng 4-2013), đàn chim yến có khoảng gần 5.000 con, chim trĩ hơn 600 con.

Nếu xảy ra dịch cúm ở đàn chim sẽ buộc phải tiêu hủy

“Đàn chim là nhóm không thể tiêm phòng được nên nếu xảy ra dịch bệnh ở nhóm này thì không còn biện pháp nào khác là phải tiêu hủy”, ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh

Khảo sát tình hình tại trang trại nuôi yến Đặng Lâm (ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo), chị Thái Kim Khuê, chủ trang trại cho biết: “Gia đình tôi có xem tin tức dịch cúm trên các phương tiện thông tin đại chúng và kiểm tra chuồng trại hàng ngày. Cụ thể là sử dụng và thay đổi liên tục các loại thuốc sát trùng để tránh “lờn” thuốc. Mặc dù trang trại được nuôi ở không gian riêng biệt, nhưng gia đình tôi khá lo lắng vì nhà có nhiều trẻ em. Chim trời lại khó quản lý, phun xịt ngừa là cách để yên tâm tạm thời. Chúng tôi chỉ mong sao không có dịch xảy ra…”. Với khoảng 10.000 con gia cầm các loại, ông T.V.L. (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) lại tỏ ra khá lạc quan khi nguy cơ dịch cúm cận kề. Theo chủ trang trại này, dịch cúm ở Trung Quốc xảy ra khi nhiệt độ nước này ở mức âm. Trong khi tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam, nền nhiệt luôn cao và khó có cơ hội bùng phát dịch cúm. Tuy nhiên, thực tế dịch cúm A/H5N1 đã và đang diễn ra tại một số tỉnh ĐBSCL, đã có trường hợp tử vong trên người và tâm lý chủ quan như vậy là hết sức nguy hiểm.

Thực tế, do trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây không xảy ra dịch nên tâm lý các chủ trại, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất chủ quan, không theo dõi nắm bắt tình hình, cho rằng dịch đang ở cách xa, không ảnh hưởng. Chính tâm lý chủ quan này cộng với nhiều yếu tố khách quan càng đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời nhằm tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng

Theo cảnh báo của cơ quan Thú y vùng VI, Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện Phú Giáo cùng với toàn tỉnh đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng dịch, vệ sinh tiêu độc bắt đầu từ ngày 16-4. Loại vắc-xin được sử dụng là chủng Re-5 (Trung Quốc). Được biết, tổng số lượng đàn gia cầm của huyện hiện nay là 163.500 con. (2 hộ nuôi chim yến với 1.500 con, 5 hộ nuôi chim trĩ, số lượng hơn 100 con). Ông Trần Văn Đức, cán bộ kỹ thuật Trạm Thú y Phú Giáo cho biết, ngoài đợt tiêm phòng vắc-xin quý I năm 2013, bắt đầu từ 1-5 đến 15-5, trạm sẽ phát động tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, không để mầm bệnh phát tán, lây lan gây bệnh cho gia súc, gia cầm.

Về những lo ngại của người chăn nuôi trước tình hình dịch bệnh, ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng. Chủ động trong lựa chọn con giống, tiêm phòng chống dịch. Đồng thời, theo dõi sát sao chuồng trại, khi phát hiện gia cầm chết, chủ động thông báo cho cán bộ thú y địa phương. Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ nhập về khoảng 1,4 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để triển khai tiêm phòng đợt I năm 2013. Lượng vắc-xin này đủ để bảo đảm cho công tác tiêm phòng theo kế hoạch và dự phòng khi có dịch bệnh xảy ra.

Như vậy, có thể nói, nhiều năm trở lại đây, công tác triển khai tiêm phòng dịch tại địa phương được chủ động tiến hành khá đều đặn. Tuy nhiên, triển khai ngăn chặn dịch thì bảo đảm từ phía gia cầm “nội” thôi chưa đủ, nguồn dịch có thể lây lan từ rất nhiều nguồn bên ngoài. Hơn nữa, thời tiết lại đang trong giai đoạn chuyển mùa nên cũng tạo điều kiện cho nguồn bệnh phát sinh. Chính vì những yếu tố đó, các ngành chức năng, người chăn nuôi và người tiêu dùng cần có một thái độ quan tâm đúng đắn để luôn trong tình thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở mức cao nhất.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên