Đi lễ hội mùa xuân - chớ cuồng tín!

Cập nhật: 07-03-2018 | 08:44:19

Con số hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ mà người dân nước ta tổ chức hàng năm quả là… đáng lo! Hình ảnh người người chen nhau đi lễ hội tháng giêng với những nghi lễ dân gian mê tín, nếu không nói là cuồng tín thật đáng quan ngại.

Làm gì khi mọi người bỏ bê công việc, tập trung tham gia lễ hội, cầu xin vào một vận may mơ hồ nào đó đến với mình.

Những ngày này, hình ảnh trai làng lấm lem bùn đất vì chen lấn, đập đánh nhau tranh phết cầu may, có người ngất xỉu phải khiêng ra ngoài cho lực lượng y tế chăm sóc quả là phản cảm. Những lễ hội chém lợn hay các hủ tục khác vẫn còn có nơi “đóng cửa thực hiện để bảo tồn văn hóa dân gian” lại một lần nữa nói lên ý thức của người dân. Điều này thể hiện sự bất chấp, bỏ ngoài tai những lời góp ý rằng đó là dã man, vô văn hóa…

Đành rằng lễ nghi, truyền thống là phải giữ gìn nhưng phải có tính nhân bản, nhân văn và mang đậm nét văn hóa, văn minh hiền hòa của người Việt. Không thể có chuyện “giẫm đạp lên người khác” để cầu may mắn, thăng tiến cho mình trong khi cha ông ta từng dạy bảo rằng “thương người như thể thương thân”.

Năm nay, tục đốt vàng mã lại được nhắc đến với các nguy cơ cháy nổ, lãng phí, ảnh hưởng vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, nói thì nói, đốt vẫn cứ đốt! Tôi quá đỗi ngạc nhiên khi một người thân ở quê cho biết; tết về, mình có áo mới hay không cũng được nhưng các cụ phải có! Thế là vàng mã được mua về tính bằng… thúng và tổng số tiền để mua cho các cụ đủ đồ dùng: nhà, xe, dù, quần áo, giày… lên tới hơn 5 triệu đồng!

Nói về chuyện cuồng tín khi tham gia lễ hội, khi đi chùa, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, năm nay, Trung ương Giáo hội có chỉ đạo đến các chùa, tín đồ phật tử… không đốt vàng mã. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, việc đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian, không phải tín ngưỡng Phật giáo. Thế nên, tất cả vẫn là ý thức của người dân. Chúng ta phải tin tưởng vào bản thân mình, người tu hành giữ đúng giới luật, mọi công dân phải giữ đúng pháp luật thì tự nhiên sẽ an lạc, bình yên! Cuộc sống sung túc là do lao động đem lại, không thể cầu xin mà có được…

Bình Dương có lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu chính lễ ngày Rằm tháng giêng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn đi lễ đến hết tháng giêng. Sau nhiều lần chính quyền phối hợp với Bốn bang người Hoa để tổ chức lễ hội, càng ngày càng có nhiều nét đẹp để lại trong lòng du khách như phát thức ăn, nước uống, vá xe… miễn phí. Lễ hội ngày càng văn minh, an toàn thì càng yên lòng du khách.

Du xuân là một dịp mọi người cùng người thân, bạn bè cùng nhau nghỉ ngơi, thư thả và thưởng ngoạn cảnh nên thơ của quê hương, đất nước. Vậy thì hãy đi chùa, tham gia lễ hội trong tâm thế bình an, thư thái. Hà cớ gì chen lấn, đánh đập, tranh giành nhau?...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên