Di tích miếu Bà Đất Cuốc (Tân Uyên): Minh chứng cho sự ra đời của chiến khu Đ huyền thoại!

Cập nhật: 08-05-2012 | 00:00:00

Tọa lạc tại ấp Suối Sâu, trên khoảng đất có tổng diện tích 1.781m2, miếu Bà được người dân địa phương lập vào năm 1919. Miếu được lập nên và thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương. Theo các cụ cao niên, thì nguyên trước đây vùng Đất Cuốc là rừng rậm thiêng liêng và nhiều thú dữ, để tạ ơn đất trời, những đấng linh thiêng khác giúp họ vượt qua những trở ngại thử thách, ổn định cuộc sống... bà con tụ cư vùng Đất Cuốc này người có của, góp công cùng lập nên ngôi miếu Bà - nơi gửi gắm niềm tin vào các đấng siêu nhiên, thỏa lòng tín ngưỡng và kỳ vọng của cộng đồng.

Đất Cuốc trước đây nguyên là vùng đất hoang vu thuộc xã Tân Hòa xưa (Biên Hòa), rồi đến xã Tân Mỹ, nay là xã Đất Cuốc (Bình Dương), được hình thành muộn hơn so với những địa phương khác của huyện Tân Uyên. Do cuộc sống ngày càng phát triển, những cư dân từ khắp các nơi như: Mỹ Lộc, Bình Cơ, Phú Hòa, Thường Lang, Tân Tịch, Tân Uyên... cùng cộng cư về sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này vào những năm cuối thế kỷ XIX. Vùng đất Tân Hòa lúc này có địa giới rất rộng, là một trong 5 xã hạt nhân hình thành nên chiến khu Đ oai hùng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Miếu bà Đất Cuốc và bia công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh tại ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc

Tại nơi đây, vào năm 1945, Trường huấn luyện Quân chính đã ra đời và góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển, đào tạo lực lượng vũ trang nòng cốt cho các phong trào chống Pháp tại Tân Uyên. Trại đóng tại miếu Bà đã huấn luyện cho hàng trăm thanh niên tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, sinh viên được trang bị những kiến thức quân sự cơ bản. Học viên học xong, một nửa trở về các xã làm nòng cốt cho du kích địa phương, một nửa ở lại gia nhập bộ đội.

Miếu Bà là một trong những điểm tập trung hoạt động cách mạng tại cái nôi của chiến khu Đ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Một địa điểm quan trọng xây dựng lực lượng, nuôi cán bộ, chiến sĩ cách mạng góp phần hình thành nên địa danh chiến khu Đ oai hùng. Với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chiến khu Đ đã lập nên những chiến công vẻ vang mãi mãi là niềm tự hào của quân dân miền Nam nói chung, quân dân miền Đông Nam bộ nói riêng, trong đó có nhân dân Đất Cuốc anh hùng.

Trong thời gian quân lính Pháp đóng tại miếu Bà năm 1946, hành động rất tàn ác và dã man, chúng bắt giam người Đất Cuốc tại căn hầm trước miếu - khi Pháp đóng bót tại miếu có xây một căn hầm dùng để giam cầm những người con Đất Cuốc yêu quê hương, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của mình. Nhân dân ở vùng Đất Cuốc cũng như bao người dân khác trong vùng chiến khu Đ luôn phát huy truyền thống chung của dân tộc Việt. Họ vẫn bảo lưu và gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, mang đậm tính dân gian. Song song đó là lòng tin sắt đá vào lẽ phải và ý chí kiên cường, sẵn sàng xả thân bảo vệ niềm tin. Tại miếu Bà Đất Cuốc đã có nhân vật nổi tiếng từng sống và hoạt động cách mạng, như Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đồng chí Nguyễn Bình... Và rất nhiều, rất nhiều đồng bào Đất Cuốc đã tham gia vào công cuộc giải phóng quê hương, họ đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu của mình, nhiều người đã để lại tên tuổi như Lê Văn Nghe (sinh năm 1936), Lê Văn Rãnh (1934), Lê Văn Hươn (1918), Nguyễn Văn Ề, Lê Thị Phẩm (1927), Nguyễn Thị Bông (1934), Huỳnh Văn Thới (1927), Phan Thị Hận... làm sáng ngời địa danh Đất Cuốc, góp phần làm nên chiến khu Đ đi vào huyền thoại.

Ngôi miếu Bà trải qua nhiều lần xây dựng với nhiều vật liệu gỗ quý và trang trí rồng phụng nhưng qua hai cuộc chiến tranh đã bị tàn phá rất nhiều. Đến năm 1986, bà con địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu Bà trên nền ngôi miếu cũ bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn xi măng rất khang trang, thờ 5 vị thần cho đến ngày nay. Hiện tại, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo quản tốt ngôi miếu. Ngôi miếu một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho sự ra đời của chiến khu Đ - căn cứ kháng chiến đi vào huyền thoại trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là chiến trường căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu đó, miếu Bà Đất Cuốc đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28-1-2011.

PHI LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên