Địa đạo Tam giác sắt: Một trang sử “chân trần, chí thép”

Cập nhật: 07-05-2013 | 00:00:00

Bài 1: Hào khí đất miền Đông

Bài 2: Hồi ức của những cựu binh

Tam giác sắt nằm phía Tây Nam huyện Bến Cát - mảnh đất hiền hòa giữa hai con sông lớn ở Đông Nam bộ. Dòng sông miên man chảy chở nặng phù sa bồi đắp đôi bờ càng thêm trù phú. Từ xưa, Tam giác sắt nổi tiếng về nghề trồng lúa, nhất là ở miệt Phú An lúa vàng trĩu hạt quanh năm… Rồi đất “bỗng hóa kiên cường” khi Tổ quốc gặp nạn xâm lăng. Trong đó, địa đạo đã trở thành một nghệ thuật chiến tranh đầy bí ẩn mà sự thành công chỉ có ở Việt Nam.  

Một góc Khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt đang được xây dựng

Cả làng đào địa đạo

Chúng tôi về 3 xã Tây Nam huyện Bến Cát trong những ngày tháng 4 lịch sử để tìm gặp các nhân chứng thời chiến. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày oanh liệt vẫn còn sâu đậm trong lòng các cựu binh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở xã Phú An, ông Nguyễn Văn Nê, tức Hai Nê, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hào sảng khi kể về địa đạo Tam giác sắt. Ông Nê tham gia cách mạng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhiệm vụ đầu tiên được giao là ông cùng với nhân dân đào địa đạo. Ông kể: Đầu năm 1963, xã Phú An bắt đầu tổ chức đào địa đạo. Công việc được khoán cho 3 ấp tham gia là ấp Phú Thứ, Phú Thuận và An Thuận. Do địch ngày đêm oanh tạc nên công việc phải thực hiện vào ban đêm, vô cùng vất vả. Cả xã phải huy động toàn bộ nhân dân tham gia, thanh niên thì trực tiếp đào, phụ nữ lo cơm nước, ông già thì bưng đất đi đổ ở nơi bí mật. Sau 3 tháng miệt mài, xã Phú An đã có một đường hầm địa đạo nối thông với xã An Điền, trở thành một vành đai để du kích bám trụ chiến đấu.

Mặc dù không được giúp đỡ về mặt khoa học kỹ thuật, nhưng địa đạo Tam giác sắt đã trở thành một công trình mang tính nghệ thuật cao. Địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường chính tỏa ra vô số nhánh dài ngắn ăn thông với nhau hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình, có một số nhánh trổ ra sông Sài Gòn. Đường xương sống (đường chính) địa đạo cách mặt đất 4m, chiều cao địa đạo 1,2m, rộng 0,8m. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng. Chỗ lên xuống có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có nút thắt ở những điểm cần thiết, có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi, bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Từ đường chính được đào ra các nhánh phụ về các ấp, đi liền với các nhánh phụ là các ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài khoảng 1km với 3 ụ chiến đấu. Ụ chiến đấu sâu 1,7m với 4 lỗ châu mai được đắp như ụ mối gồm 2 nắp. Nắp trên cách mặt đất khoảng 0,5m, đứng ở dưới có thể quan sát địch trên mặt đất. Nắp dưới ăn thông với tầng 2 của địa đạo, khi địch phát hiện, du kích giở nắp rút lui xuống lòng địa đạo. Các ụ chiến đấu cách đường xương sống khoảng 200m. Ngoài ra, chung quanh ụ chiến đấu có bố trí các hầm chông, mìn được ngụy trang. Trong các cuộc chống càn, ụ chiến đấu đã trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù.  

Cựu chiến binh Sáu Tấn - người từng chiến đấu trong lòng địa đạ

Những tấm gương sáng ngời

Ông Lê Đức Tấn (Sáu Tấn) cho biết: Mỗi lần địch càn, quân ta bám trụ ở các ụ chiến đấu để tiêu diệt địch. Khi địch lên đông thì ta theo ụ chiến đấu rút vào lòng địa đạo, khiến địch điên cuồng không biết quân ta ở đâu. Sau này có lúc chúng tìm được cửa hầm các ụ chiến đấu và liều mạng chui vào nhưng chúng đã vĩnh viễn bỏ mạng trong lòng đất. Có giai đoạn Mỹ đã tổ chức một đội quân gọi là “Chuột Cống” chuyên săn lùng địa đạo. Thế nhưng, những tên “Chuột Cống” khi đã chui vào địa đạo là không có cơ hội để quay ra.

Ông Tấn năm nay đã ngoài 70 tuổi, người xã Phú An, sau giải phóng ông là Chủ tịch ba xã Tây Nam, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bến Cát cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc đời chiến đấu của ông gắn liền với lịch sử địa đạo Tam giác sắt. Ông chính là người trực tiếp tham gia chiến đấu chống hai trận càn lớn của địch là: Xê-đa-phôn và Phong Hỏa 2. Ông Tấn đã cùng với đồng đội, nhân dân vùng Tam giác sắt làm nên những kỳ tích rực rỡ trong cuộc chiến chống Mỹ. Nhớ lại kỷ niệm xưa, ông đọc cho chúng tôi bài thơ về thời chiến đấu trong địa đạo:

Ta đánh giặc ngày đêm không ngủ

Đánh luồn hầm, đánh tạc đạn, đánh giao thông

Tập kích ban đêm, ngày đeo “chim sẻ”

Dưới lưỡi lê ta, xác giặc chất chồng…

Trong cuộc chiến ác liệt, vùng đất Tam giác sắt đã sinh ra những tấm gương kiên cường, bất khuất, đó là gia đình má Hai Thơ, tức Nguyễn Thị Thơ ở xã Phú An. Má Thơ có 6 người con là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Riêng vợ chồng má là tấm gương tiêu biểu ở xã Phú An trong những năm đào địa đạo. Người dân nơi đây kể lại, mặc dù lớn tuổi nhưng vợ chồng má Hai Thơ rất tích cực tham gia đào địa đạo. Hàng ngày, bà đi lo lương thực, còn ông thì bưng đất đào lên đi đổ và ngụy trang bí mật. Khi địa đạo hoàn thành, hai người đã được tổ chức khen thưởng.  

Ông Hai Nê kể chuyện đào địa đạo với phóng viên

Cuộc chiến trong lòng đất của du kích 3 xã Tây Nam Bến Cát đã lập nên những chiến công hiển hách. Tiêu biểu trong đó là chiến công của anh hùng Chê (Nguyễn Văn Chê, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND). Hơn 10 năm chiến đấu trong đội du kích xã Phú An, anh hùng Chê kiên trì bám địa đạo, bám dân để đánh địch. Anh đã tiêu diệt hơn 150 tên địch, phá hủy 10 xe tăng, bắn rơi 5 máy bay. Khi quân Mỹ lần đầu đánh vào vùng Tam giác sắt, Nguyễn Văn Chê đã tổ chức tổ 3 người đánh bom, phá hủy một sà lan, nhấn chìm một xe tăng, diệt 50 tên Mỹ tại ấp Chợ Hai, xã Phú An. Ngày 14-2-1971, Nguyễn Văn Chê đã anh dũng hy sinh khi đang chỉ huy chiến đấu. Để tôn vinh chiến công người anh hùng, ngày 6-11-1978, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Địa đạo chiến

Địa đạo phải đi đôi với xã, ấp chiến đấu mới thành địa đạo chiến. Do vậy, trong những năm chống Pháp, song song với phong trào đào địa đạo còn có phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu. Đồng bào đã trồng tre, mây… rào kỹ càng những khu vực địch có thể càn, kết hợp với hầm chông, hố chông và lựu đạn gài để chống càn. Ngoài đồng trống, nhân dân còn đóng cây tầm vông vạt nhọn cao để chống địch nhảy dù. Sau này, địa đạo chiến đã phát huy được lợi thế của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tạo nên những kỳ tích trong các trận chiến đấu ác liệt, hoàn toàn không cân sức.

Chính nhờ vào địa hình “thiên la, địa võng” này mà trong suốt thời kỳ chống Mỹ, quân dân 3 xã Tây Nam đã bám trụ kiên cường, đánh bại mọi cuộc càn quét quy mô của địch.

Bài 3: “Phong Hỏa 2” - Sụp đổ một dã tâm

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên