Địa đạo Tam giác sắt: Một trang sử “chân trần, chí thép ”

Cập nhật: 08-05-2013 | 00:00:00

> Bài 2: Hồi ức của những cựu binh

 Bài 3: “Phong hỏa 2” - Sụp đổ một dã tâm

 Vùng Tam giác sắt cách “thủ đô” của chính quyền Sài Gòn không bao xa. Suốt chiều dài của cuộc chiến, mảnh đất này vẫn hiên ngang đứng vững bên nách quân thù, khiến địch quay cuồng và quyết tâm dẹp bỏ. Chúng tổ chức hàng trăm trận càn, sử dụng hàng triệu tấn vũ khí hủy diệt nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, phá nát địa đạo và gom dân vào ấp chiến lược. Song, chúng phải chùn bước bởi đất và người nơi đây đã hóa thép. Không một thế lực nào tách được người nông dân ra khỏi đồng ruộng. Trong gió mưa bão tố, mảnh đất này vẫn ngời sáng tấm lòng kiên trung.  

 Xe tăng của địch bị bắn cháy trong một trận càn 

 Từ thất bại “quốc sách ấp chiến lược”…

“Quốc sách ấp chiến lược” là loại hình chiến tranh được Cục Tình báo Mỹ áp dụng thành công ở chiến trường một số nước Đông Nam Á nhằm chống lại phong trào cộng sản. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ngô Đình Diệm được Mỹ “đặt” lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam và ông ta ráo riết thực hiện “Quốc sách ấp chiến lược” với ảo tưởng cũng sẽ thành công như người Mỹ đã làm. Nhưng Mỹ - Diệm đã sai lầm! Bởi dân tộc Việt Nam là một, con người Việt đã có truyền thống gắn liền với mảnh đất tổ tiên, đồng ruộng, làng xóm… nên không ai có thể buộc họ rời bỏ làng quê để vào ấp chiến lược. Ấp chiến lược được dựng lên hôm trước thì hôm sau đồng bào đã phá nát để trở về với ruộng đồng, với cách mạng để đánh giặc.

Từ những sai lầm, Mỹ - ngụy càng điên đảo dùng vũ lực để cứu vớt. Bước vào năm 1963, trước sự phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam, Mỹ - Diệm càng đẩy mạnh những biện pháp quân sự ác liệt ý đồ thực hiện cho được “Quốc sách ấp chiến lược”. Về quân sự, chúng tăng cường bảo an, biệt kích về xã; mỗi điểm chốt một trung đội, tăng các chốt vùng giáp ranh dọc theo đường số 7 (Bến Cát) và đường 14. Chúng tiếp tục mở hàng chục cuộc càn quét vào những nơi nghi ngờ có lực lượng chủ lực của ta đóng quân. Trong các cuộc càn quét, địch sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”, thẳng tay đốt phá, chà xát ruộng vườn, nhà cửa, tài sản của nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 1963, tại 3 xã Tây Nam chúng dồn dân vào các ấp chiến lược ở Rạch Bắp, Phú Thuận, Phú Thứ hơn 1.000 người. Đây là các ấp chiến lược kiểu mẫu án ngữ vòng ngoài để chống trả những đợt tiến công của ta ở Bến Tượng, Trũng Thơm, Rạch Kiến… Chúng đánh phá một cách khốc liệt để tiêu diệt các cơ sở cách mạng, khẩn trương xây dựng, củng cố bộ máy và lực lượng kìm kẹp hòng biến ấp chiến lược thành trại tập trung, “pháo đài”, tiến hành cuộc chiến tranh giành dân quyết liệt với ta. Trước thủ đoạn của địch, quân dân 3 xã Tây Nam đã gặp không ít khó khăn. Gần 3/4 vùng giải phóng bị kìm kẹp lại.

Đứng trước tình hình đó, Huyện ủy Bến Cát đã đề ra nhiệm vụ cho thời kỳ này là: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang phải tiến hành song song, kết hợp chặt chẽ với nhau, cương quyết giữ vững vùng giải phóng, phát động phong trào chiến đấu tại chỗ, không cho địch thực hiện âm mưu gom dân, bắt lính. Thế là, phong trào thi đua giết địch lại rộ lên. Tháng 1-1963, du kích An Tây phối hợp với bộ đội địa phương đánh địch trên đường 14 diệt 2 tiểu đội địch, phá hủy 1 xe tăng, thu 20 súng.

…đến trận càn “Phong hỏa 2”

Thất bại trước ý đồ “Quốc sách ấp chiến lược”, đầu năm 1963 địch mở trận càn mang tên “Phong hỏa 2” với hy vọng một lần nữa gom dân vào ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Trong trận càn này, địch huy động một tiểu đoàn của Sư đoàn 5 ngụy, chia làm 2 hướng tiến vào 3 xã Tây Nam. Hướng thứ nhất, từ Bến Cát địch cắt ngang qua rừng 123 càn xuống Phú An. Hướng thứ hai, địch theo đường 7 đến Rạch Bắp và theo đường 14 đến An Tây. Với một lực lượng vượt trội, được trang bị vũ khí hiện đại, địch huênh hoang cho rằng sẽ tiêu diệt nhanh gọn lực lượng du kích 3 xã Tây Nam, lúc đó khoảng vài chục người. Thế nhưng, khi trận càn bắt đầu, du kích ta đã bất thình lình đánh chặn quyết liệt. Tại ấp 3, du kích đánh 3 trận diệt 67 tên, phá hủy 2 xe bọc thép.

Trong những ngày chống càn này, tinh thần chiến đấu dũng cảm của du kích An Tây đã làm cho quân thù khiếp sợ. Những tấm gương chiến đấu quên mình của các chiến sĩ du kích như: anh Nếp, anh Dũng, Tám Si, Hai Tỉa đã làm nhân dân mến phục. Các anh đã bám trụ tại ụ chiến đấu với chỉ một khẩu cạc-bin và vũ khí thô sơ nhưng đã chống lại thành công 7 đợt càn ở khu vực ấp 1, diệt 1 xe Jeep và 1 tiểu đội địch. Ở khu vực sân bóng đá của xã, một tổ du kích gồm các đồng chí Tư Nù, Mười Đực, Ba Đạt… đã ghìm chân địch suốt 5 tiếng đồng hồ, diệt gọn một đại đội “Trâu điên”.

Riêng trên địa bàn xã Phú An, quân địch đã vô cùng choáng váng khi gặp phải các tay súng xạ thủ của du kích. Khi địch vừa đến ngã tư Phú Thứ, du kích Phú An đã dựa vào địa đạo chiến đấu, cầm chân và đánh tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nổi tiếng trong trận chống càn này là xạ thủ Nguyễn Văn Đực. Anh Đực đã sử dụng hết hiệu suất vũ khí cá nhân tự tạo, với thành tích 10 viên đạn diệt 9 tên địch. Sau này người dân Tam giác sắt thường gọi anh Đực với cái tên: “Ông 10 viên, 9 thằng”. Cùng với lực lượng du kích chống càn, đồng bào ở các ấp chiến lược Rạch Bắp, Phú Thuận, An Điền liên tục đấu tranh với địch đòi về xóm cũ làm ăn.

Nhớ lại trận càn “Phong hỏa 2”, ông Sáu Tấn, người trực tiếp chiến đấu chống càn cho biết: trận càn “Phong hỏa 2” là một thảm bại ê chề của quân ngụy. Chúng đã trúng những đòn rất đau. Ngay cả bộ chỉ huy trận càn của địch cũng bị ta diệt gọn. Ông Tấn kể lại: “Trước hôm xảy ra trận càn, qua thông tin tình báo nên ta đã biết trước. Ở Tam giác sắt, hồi quân Pháp rút đi còn để lại 1 lô cốt bê tông. Ta dự đoán, trong quá trình càn quét, chỉ huy của địch có thể vào lô cốt này trú ẩn nên ta đã gài mìn trước trong lô cốt. Đúng như dự đoán, sau vài ngày càn, bố mệt mỏi, tốp chỉ huy của địch chui vào lô cốt nghỉ ngơi và đã… tan xác vì mìn của du kích”. Chỉ huy thiệt mạng, quân địch như rắn mất đầu giẫm lên nhau chạy về Sài Gòn.

“Phong hỏa 2” là trận càn đầu tiên có quy mô khá lớn được Mỹ - ngụy tổ chức đánh vào Tam giác sắt hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta và gom dân vào ấp chiến lược, xóa sổ vùng đất cách mạng ngay cạnh mạn sườn của chúng. Song, trước tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân 3 xã Tây Nam đã giáng cho địch những đòn chí mạng. Nhưng với bản chất ngoan cố, “Phong hỏa 2” sụp đổ, địch tiếp tục chuẩn bị cho một trận càn khác mà quy mô và tính ác liệt của nó chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Bài 4: Xê-đa-phôn, mùa hè rực lửa!

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên