Điểm tựa cho công nhân xa quê

Cập nhật: 17-04-2018 | 10:06:57

Công nhân lao động (CNLĐ) xa quê lập nghiệp vốn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với sự giúp đỡ chân thành của những chủ nhà trọ, người quản lý ký túc xá, CNLĐ ấm lòng hơn và cảm nhận tình người nơi xa xứ.


Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm, tặng quà cho CNLĐ tại khu nhà trọ

 Từ cô chủ nhà trọ chân thành

Ở phường An Thạnh, TX.Thuận An ai cũng biết đến chị Phạm Thị Minh Châu, Chi hội trưởng Chi hội nữ công nhân nhà trọ là một người tốt bụng. Chịluôn quan tâm đến công nhân ở trọ. Khi ai ốm đau, bệnh tật, chị đều đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Con em CNLĐ thiếu tiền đóng học phí, sách vở, có lúc chị Châu chạy khắp nơi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Đặc biệt, chị Châu đã thành lập 10 tổ trợ vốn giúp nữ CNLĐ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Để tránh tình trạng thất thoát vốn, chị lại thành lập “Nhóm nữ công nhân cùng quê”, lấy uy tín của mình để giữ chân người lao động. Những năm qua, chị đã giúp cho hàng trăm nữ công nhân vay vốn mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình như xe máy, tivi hay giúp đỡ con em công nhân tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường.

Đối với CNLĐ mới ở quê vào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có việc làm ổn định, chị Châu hỗ trợ tiền phòng, điện, nước từ 1 đến 2 tháng. Điển hình như các chị Nguyễn Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Châu Thuận Phát, chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân Công ty TNHH Nam Phát… đã được hỗ trợ như thế. Hay như gần đây là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thành, quê Thanh Hóa, công nhân KCN Việt Hương. Vào buổi sáng khu trọ Thạnh Bình, phường An Thạnh xôn xao bởi chị Thành đau bụng quằn quại phải đưa vào bệnh viện. Hay tin, chị Châu tất tả đưa chị Thành vào bệnh viện. Bác sĩ cho biết chị Thành bị đau ruột thừa phải mổ gấp, chị đứng ra lo mọi chi phí vì biết rằng gia đình ở quê khá nghèo, cha mẹ đau yếu, chị Thành là lao động chính trong gia đình. Từ nghĩa cử cao đẹp của bà chủ trọ, nhiều CNLĐ cùng chung tay, chia sẻ khó khăn với chị Thành. “Của ít lòng nhiều”, mỗi người tự ủng hộ tiền mua thuốc và thay phiên thăm nuôi, giúp chị Thành vượt qua bệnh tật. Hay hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, công nhân KCN Việt Nam - Singapore, quê Thừa Thiên - Huế có chồng bị tai nạn giao thông, liệt chân và mất khả năng lao động. Từ ngày chồng bị tai nạn, chị Nhung trở thành lao động chính trong gia đình, ngày ngày cần mẫn lao động lấy tiền mua thuốc chữa trị cho chồng và nuôi 2 con nhỏăn học. Cảm thương hoàn cảnh, chị Châu đi vận động, thu gom đồ dùng học tập, sách cũ, giúp chị Nhung giảm chi phí học hành cho con. Chị vận động các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm hỗ trợ chị Nhung mỗi tháng 20kg gạo. Chính vì vậy, ngoài vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, với CNLĐ xa quê chị Châu còn là người chị, người bạn thân thiết.

Đến người quản lý ký túc xá tốt bụng

Chúng tôi có dịp đến tham quan ký túc xá (KTX) dành cho công nhân của Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam. Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, quản lýKTX đón chúng tôi bằng nụcười hiền. Gần 10 năm ở chung với CNLĐ trong KTX, cô Tuyết luôn xem họ là con cháu trong gia đình, quan tâm, động viên công nhân cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: “Tôi luôn coi các em ở KTX là con của mình, bởi hoàn cảnh họ đáng thương, có những em chỉ mới tốt nghiệp lớp 12, lần đầu tiên rời xa vòng tay của ba mẹ nên vẫn còn rất bỡ ngỡ cuộc sống”. Và khi ấy cô luôn là điểm tựa vững chắc để CNLĐ tâm sự. “Một số nữ CNLĐ ở chung phòng thường hay tỏthái độ “bằng mặt màkhông bằng lòng” với nguyên nhân hết sức đơn giản như người làm, người không làm, hay nói năng vô ý làm tổn thương nhau… Thế nhưng các bạn không dám nói ra mà cứ để trong lòng, lâu dần tạo ra một khoảng cách lớn giữa hai bên. Khi tôi nhận thấy được sự việc thì tôi đã kêu tất cả ngồi lại giải thích cho các bạn biết đúng, sai và khi đã hiểu ra được vấn đề thì họ vui vẻ trở lại”, cô Tuyết cho biết.

Không chỉvậy, cô Tuyết còn quan tâm đến những trường hợp không may bị bệnh hiểm nghèo. Gần đây có bạn công nhân bị suy thận phải nằm viện, cô Tuyết kêu gọi mọi người trong KTX thay phiên nhau đưa cơm và chăm sóc. Nhiều công nhân tâm sự, họ rất hài lòng khi sống tại KTX, bởi có cô Tuyết lo lắng. Công nhân mong muốn được lắp wifi thì cô Tuyết đã kiến nghị với Ban giám đốc và được đồng ý hay việc tivi không xem được nhiều kênh cũng nhờ cô Tuyết xin Ban giám đốc cho mỗi phòng 1 đầu thu kỹ thuật số. Rất nhiều vấn đề CNLĐ kiến nghị được giải quyết thỏa đáng thông qua người quản lý uy tín như cô Tuyết. Với CNLĐ xa quê khi được sống trong KTX miễn phído công ty tài trợ là rất cần thiết và hơn hết họ được đón nhận tình thương yêu của những người quản lý tốt bụng như cô Tuyết.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên