Cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng chống tham nhũng trên internet” năm 2016:

Điểm nhấn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Cập nhật: 28-06-2016 | 08:52:54

Đó là phát biểu của ông Đặng Minh Hưng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng chống tham nhũng trên internet” do UBND tỉnh tổ chức diễn ra từ ngày 1-6 đến ngày 31-7-2016. P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Hưng để tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc thi này.

- Xin ông vui lòng cho biết mục đích của việc tổ chức cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng chống tham nhũng trên internet” năm 2016?

- Theo tinh thần nghị quyết của Đảng và Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) thì phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà trước hết và chủ yếu là của cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành. Phương châm thực hiện đối với công tác PCTN là vừa tích cực chủ động, phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Trong đó, việc tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về PCTN là một trong những giải pháp phòng ngừa quan trọng. Trong thời gian qua, công tác PCTN đã, đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, từ năm 2012 đến 2016, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN, tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng chống tham nhũng trên internet” năm 2016.

- Thưa ông, tại sao đối tượng dự thi của cuộc thi này không rộng rãi mà chỉ giới hạn là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh?

- Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Có thể người đó là cán bộ, công chức, viên chức; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó… Cho nên cuộc thi lần này tỉnh chọn đối tượng dự thi là có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật trong PCTN nói riêng. Cuộc thi này là một điểm nhấn, là một trong những giải pháp, biện pháp, quyết tâm của tỉnh trong công tác đấu tranh PCTN.

Nhìn chung, đến nay những nội dung cơ bản của Luật PCTN và các văn bản có liên quan đã được các ngành, các cấp triển khai, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều biện pháp đa đạng và phong phú như tuyên truyền miệng, tổ chức hội thi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Mục tiêu theo kế hoạch của tỉnh đề ra là phấn đấu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các ngành, các cấp đều được phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức về PCTN.

Cán bộ công chức phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) tìm hiểu thông tin về cuộc thi trên internet

- Để cuộc thi đạt kế hoạch của tỉnh đề ra là 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị tham gia dự thi, là Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, ông có những giải pháp gì?

“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Có thể người đó là cán bộ, công chức, viên chức; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó... Cho nên cuộc thi lần này tỉnh chọn đối tượng dự thi là có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật trong PCTN nói riêng. Cuộc thi này là một điểm nhấn, là một trong những giải pháp, biện pháp, quyết tâm của tỉnh trong công tác đấu tranh PCTN”, ông Đặng Minh Hưng cho biết.

- Để cuộc thi đạt chỉ tiêu đề ra là 100% cán bộ, công chức, viên chức, trong cơ quan, đơn vị tham gia dự thi, Ban tổ chức cuộc thi cũng có những giải pháp như: Ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai cuộc thi, vận động cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự thi; tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc thi; yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, quán triệt cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị tham gia dự thi và xem đây là một trong những tiêu chí xét thi đua khen thưởng cuối năm 2016. Bên cạnh đó, theo kết cấu phần mềm cuộc thi, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khi cần biết tình hình, số lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình tham gia dự thi như thế nào thì có thể truy cập trên phần mềm cuộc thi để tra cứu thông tin.

Tôi nghĩ rằng với quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thì cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng chống tham nhũng trên internet” năm 2016 của tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu đề ra, sẽ góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCTN; tạo bước chuyển biến rõ nét hơn trong công tác PCTN của tỉnh trong thời gian tới.

- Xin cám ơn ông!

 

TÂM TRANG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên