Điểm nhấn xuất siêu và thu hút FDI

Cập nhật: 10-04-2014 | 00:00:00

Cùng với các lĩnh vực kinh tế khác, trong quý I-2014 lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan. Đây là nền tảng để tin tưởng Bình Dương sẽ hoàn thành sớm kế hoạch năm 2014.

 

Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp tại Bình Dương cạnh tranh tốt ở thị trường quốc tế. Trong ảnh: Sản xuất sữa xuất khẩu tại nhà máy Công ty Cổ phần Vinamilk Ảnh: T.BÌNH

Thu hút FDI đạt gần 73% kế hoạch năm

Quý I-2014, tình hình thu hút FDI tiếp tục khởi sắc với 728 triệu USD vốn FDI đổ thêm vào tỉnh. Trong đó có 28 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký 195 triệu USD và 18 dự án tăng vốn thêm 533 triệu USD. Kết quả này đã nâng số lượng dự án FDI trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 2.276 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 19,6 tỷ USD. Nhìn chung, thu hút FDI trong quý I đều tập trung vào sản xuất công nghiệp và chủ yếu đầu tư vào các KCN tập trung của tỉnh. Cụ thể đã có 667 triệu USD vốn FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp tại các KCN Mỹ Phước, VSIP…

So với kế hoạch thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014 mà tỉnh đặt ra từ đầu năm, đến thời điểm này đã hoàn thành gần 73%. Với chiều hướng này, kế hoạch thu hút FDI cả năm có khả năng sẽ hoàn thành ngay trong quý II và đến cuối năm sẽ vượt xa mức chỉ tiêu đề ra. Cùng với vốn đầu tư lớn, quý I-2014 xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh lớn như sản xuất chíp điện tử, phụ kiện máy tính, camera, phụ tùng ô tô, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp… được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Điều này rất hợp với chủ trương phát triển công nghiệp bền vững mà Bình Dương đặt ra.

Kết quả thu hút FDI tiếp tục khả quan là nhờ tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng với việc chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh… Qua đó đã khai thác tốt tiềm năng phát triển của tỉnh và nắm bắt kịp thời cơ hội để thu hút FDI. Theo UBND tỉnh, vốn FDI vào tỉnh tiếp tục tăng mạnh là tín hiệu tích cực bởi lẽ, thành phần kinh tế này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng trong quý I-2014, khu vực kinh tế có vốn FDI đã chiếm đến 67,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (44.623 tỷ đồng) của tỉnh. Về xuất khẩu, nguồn FDI chiếm đến 82,2% tổng kim ngạch. Bên cạnh đó, nguồn FDI cũng đóng góp rất lớn vào ngân sách địa phương.

Xuất siêu tạo ưu thế

 Quý I-2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 3,3 tỷ USD. Trong đó có 252 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD và 82 lượt dự án tăng vốn bổ sung với tổng số vốn tăng thêm gần 1,3 tỷ USD. Đứng đầu các nhà đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong quý I-2014 là Hàn Quốc với 765,6 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đứng đầu các tỉnh, thành thu hút FDI trong quý I-2014 là Bình Dương với 728 triệu USD.

Trong quý I-2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó khu vực kinh tế có vốn FDI chiếm 82,2% và tăng 10,9%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ, trong đó 4 ngành hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất có mức tăng trưởng cao như sản phẩm gỗ tăng 7,8%; hàng dệt may tăng 28%; hàng giày dép tăng 24,9%; hàng điện tử tăng 22,4%. Sự tăng trưởng rất đáng mừng vì 4 ngành hàng này chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Theo Sở Công Thương, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có xu hướng gia tăng nhanh ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN… đã làm cho lượng hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương tăng mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, quý III-2014, một số doanh nghiệp lớn có đơn hàng xuất khẩu hết cả năm 2014. Thuận lợi nữa là bước qua năm 2014, giá nguyên vật liệu ổn định, lượng đơn hàng xuất khẩu cũng tăng từ 10 - 15% so cùng kỳ năm trước. Do cạnh tranh, tuy giá cả sản phẩm không tăng nhưng lượng xuất khẩu tăng kéo theo giá trị xuất khẩu các ngành hàng tăng là điều phấn khởi trong điều kiện chung hiện nay.

Điểm nổi bật trong quý I-2014, với kim ngạch xuất khẩu gần 3,2 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ hơn 2,7 tỷ USD, tính ra Bình Dương có giá trị xuất siêu gần 500 triệu USD. Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp tại Bình Dương có được thị trường xuất khẩu đã tận dụng tốt các chuỗi cung ứng trong nước để giảm dần giá trị nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành xuất khẩu chủ lực tại tỉnh và trong nước ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN xuất khẩu. Qua đó vừa góp phần giảm giá thành sản phẩm, vừa gia tăng khả năng cạnh tranh cho DN.

Với kết quả thu hút FDI và xuất khẩu ấn tượng trong quý I-2014, có thể nói đây là tiền đề quan trọng để Bình Dương hoàn thành sớm kế hoạch năm của hai lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

 

FDI vào các KCN tăng 151%

Ban Quản lý các KCN Bình Dương cho biết, trong 3 tháng đầu năm các KCN do Ban trực tiếp quản lý đã thu hút hơn 215,7 triệu USD vốn FDI, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt hơn 47,9% kế hoạch năm 2014. Trong đó có 20 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 147,4 triệu USD và 14 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm gần 68,3 triệu USD.

Ban Quản lý các KCN Bình Dương được giao quản lý 25 KCN với tổng diện tích quy hoạch gần 7.540 ha; hiện đã có 23 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 6.984,7 ha. Với kết quả thu hút đầu tư trong quý I-2014, tính chung đến nay các KCN Bình Dương do Ban Quản lý đã thu hút 1.308 dự án còn hiệu lực, bao gồm 927 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,3 tỷ USD và 381 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 24.744 tỷ đồng.

T.MINH

 

 V.GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên