Điểm tựa của người nghèo

Cập nhật: 29-09-2017 | 07:58:04

 Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh vừa tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (2002-2017). Với vai trò, chức năng tiếp sức cho người nghèo, 15 năm qua Ngân hàng CSXH là điểm tựa để nhiều hộ nghèo trong tỉnh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. 185.000 lượt hộ nghèo được vay vốn làm ăn, 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 45.000 lao động có việc làm ổn định; 48.200 học sinh, sinh viên được tiếp tục học hành nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH… là những con số biết nói, thể hiện tầm quan trọng mà “điểm tựa” của người nghèo đã làm được kể từ ngày thành lập đến nay.

 Từ trước đến nay, đã có nhiều, rất nhiều chương trình, đề án của các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện việc tiếp sức cho người nghèo. Đây là những chương trình, đề án mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo. Mỗi chương trình, đề án đều có cách thức tiếp cận, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo khác nhau. Tuy đều hướng đến mục tiêu giúp đỡ người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, nhưng nhiều đề án, chương trình đã không mấy thành công khi trực tiếp trao cho hộ nghèo “con cá”, thay vì trao cho họ “cần câu”. Điểm khác biệt làm nên tên tuổi, củng cố vai trò của Ngân hàng CSXH chính là trao “cần câu” để hộ nghèo tự kiếm cho mình “con cá”.

Hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm cho người nghèo là hướng đi đúng của Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn này, thời gian qua nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã đầu tư sản xuất kinh doanh, làm ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội, từ đó vươn lên trở thành những hộ khá giả. Đây chính là cách thức giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo bền vững của Ngân hàng CSXH. Cách thức tiếp cận hộ nghèo của Ngân hàng CSXH cũng có sự khác biệt so với những chương trình, đề án hỗ trợ hộ nghèo khác. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để đưa vốn đến đúng người cần là cách làm hay của Ngân hàng CSXH. Một khi đồng vốn đến đúng địa chỉ sẽ phát huy hiệu quả chương trình giảm nghèo mà tỉnh đã đề ra. Dòng vốn này còn được “3 bên” giám sát nên không thể sử dụng sai mục đích.

Cùng với việc hỗ trợ vốn để người nghèo, hộ nghèo làm ăn, Ngân hàng CSXH còn hỗ trợ vốn cho học sinh, sinh viên con nhà nghèo tiếp tục con đường học vấn. Đây là biện pháp căn cơ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm “ngăn dòng bỏ học”, tạo ra một lực lượng lao động có tri thức, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH còn góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới thông qua các chương trình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo nông thôn xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường… Những chương trình này đã góp phần giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới mà Nhà nước đã ban hành.

Hiệu quả mà hệ thống Ngân hàng CSXH đem lại đối với người nghèo, hộ nghèo là quá rõ. Đây chính là điểm tựa căn cơ của người nghèo. Hy vọng điểm tựa này sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng người nghèo, hộ nghèo trong thời gian tới.

 LÊ QUANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên