Diện mạo đô thị Bình Dương – Kỳ 2

Cập nhật: 28-05-2015 | 08:43:22

Kỳ 2: Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật

Thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2010-2015, Bình Dương đã quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm phấn đấu sau năm 2015 đô thị Bình Dương đạt nền tảng của đô thị loại I, để đến trước năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.  

Phát triển kết cấu hạ tầng

Trong giai đoạn 2011-2015, kết cấu hạ tầng giao thông tại Bình Dương được xây dựng theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay Bình Dương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường hẻm đô thị không ngừng được đầu tư kiên cố và chuẩn hóa gắn với thoát nước, cây xanh tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và người dân đi lại thuận lợi, góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương được phê duyệt gắn kết chặt chẽ với quy hoạch giao thông và quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương.

Nhằm phát triển đô thị, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, góp phần tạo bộ mặt đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: P.LÊ

Thời gian qua, Bình Dương cũng đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm mang tầm chiến lược của tỉnh như đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, đường ĐT741 kết nối Bình Dương với tỉnh Bình Phước… Tỉnh còn chú trọng xây dựng các trục chính đô thị, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với khu vực đô thị mới tại phường Hòa Phú(TP.Thủ Dầu Một); cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông bảo đảm nhu cầu lưu thông thông suốt như nút giao thông Sóng Thần với quốc lộ 1A, nút giao thông Tân Vạn…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát cho rằng, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn thị xã là yêu cầu quan trọng và hết sức cần thiết để tạo kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, đô thị và khai thác tiềm năng, lợi thế của thị xã. Riêng đối với Dự án nâng cấp, mở rộng đường 7A hoàn thành và đã đưa vào sử dụng góp phần tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng và tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại cho TX.Bến Cát.

Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt) - Tiểu dự án 1 tại TP.Thủ Dầu Một. Tỉnh cũng đang tiếp tục thực hiện các dự án nạo vét, chỉnh trang hệ thống thoát nước, kênh rạch tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên… Hiện nay, tỷ lệ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%. Về cấp điện, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020; đưa vào vận hành và bổ sung các trạm 110 kV, 220 kV từ lưới điện quốc gia...

Đối với phát triển hạ tầng xã hội, Bình Dương đã xây dựng và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Về nhà ở, đến nay tổng diện tích sàn nhà ở của tỉnh ước đạt 46,45 triệu m², diện tích nhà ở bình quân 22,5m²/người (bình quân cả nước là 18,6m²/người). Nhà kiên cố tăng từ 4,46% (năm 2009) lên 29,8%; nhà bán kiên cố giảm từ 86,1% (năm 2009) còn 69,4%; nhà thiếu kiên cố giảm xuống còn 0,8% hiện nay; không còn nhà đơn sơ…

Nhiều bài học quý

Qua thực hiện Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá để vận dụng vào việc thực hiện chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, các ngành, các cấp và địa phương cần khai thác tốt những lợi thế so sánh của Bình Dương có liên quan đến ngành, lĩnh vực trong tổng thể khu vực, tổng thể vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế với tốc độ nhanh để tạo tiền đề cho phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng giao thông cần đi trước, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu được ưu tiên bố trí tập trung đầu tư kết nối các vùng phát triển công nghiệp và đô thị. Cùng với đó, cần huy động và sử dụng tốt nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân; nguồn lực trong nước, doanh nghiệp nước ngoài trong phát triển cơ sở hạ tầng; phát huy rõ nét và hiệu quả vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hệ thống quy hoạch đô thị hiện đại, đồng bộ và ổn định trong thời gian dài trên nền tảng quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế- xã hội; chú trọng tính khả thi khi đề xuất phân kỳ đầu tư và giải pháp thực hiện quy hoạch. Trong thực hiện quy hoạch, quan tâm đến hình thức phát triển đô thị theo dự án lớn, đồng bộ. Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị, bất động sản, cần chuẩn bị quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, công bố công khai, rộng rãi và cung cấp thông tin quy hoạch nhanh chóng để nhà đầu tư tiếp cận; đồng thời bảo đảm thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng minh bạch, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để chủ đầu tư triển khai dự án.

Để đô thị phát triển tốt, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đô thị, từ hoạch định chính sách, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị… đến năng lực điều hành, tác nghiệp cụ thể. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị từ đào tạo tại chỗ đến sử dụng lực lượng chuyên gia, tư vấn trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài. Tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong phát triển đô thị thông qua công tác tuyên truyền, giải thích mục tiêu tốt đẹp của các dự án và làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong phát triển đô thị, chú trọng hướng đến con người, lợi ích của nhân dân bằng việc giải quyết vững chắc, từng bước có hiệu quả các vấn đề xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội; quan tâm giải quyết những vấn đề tiềm ẩn bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị...

Từ năm 2008 đến nay, Bình Dương đã thu hút được 82 dự án đầu tư nhà ở xã hội với tổng diện tích đất trên 1,75 triệu m², tổng diện tích sàn là 3,9 triệu m², tổng căn hộ trên 80.000 căn đáp ứng cho 238.000 người. Một số dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn như dự án First Home Premium của Công ty N.H.O, dự án nhà ở an sinh xã hội của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp- TNHH MTV (Becamex IDC)… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3 triệu m² sàn nhà trọ do người dân đầu tư, góp phần giải quyết chỗ ở cho người lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc tại tỉnh. Về kết quả giải quyết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tỉnh đã giải quyết cho 739 trường hợp với tổng số tiền là 184 tỷ đồng.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên