Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 – kỳ cuối

Cập nhật: 02-03-2016 | 07:35:47

Kỳ cuối: Bình Dương thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch

Thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đồng thời tạo điều kiện để tỉnh nhà tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới, Bình Dương đã đưa nhiều nhóm giải pháp quan trọng về quy hoạch và triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng KCN, các cơ chế chính sách, bảo vệ môi trường... nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu cơ bản là trở thành tỉnh công nghiệp, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

 Chú trọng đầu tư hạ tầng KCN

Để triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ thực hiện quy hoạch các KCN phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với quy hoạch ngành và quy hoạch vùng. Cùng với đó, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng các KCN, nhất là KCN ở phía bắc của tỉnh để phát triển KCN theo hướng nhanh và bền vững. Tỉnh nhà cũng chú trọng bố trí các ngành công nghiệp, nhóm sản phẩm chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế địa phương gắn với công tác bảo vệ môi trường; cùng với đó thu hút đầu tư những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Bình Dương cũng sẽ chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và bảo vệ môi trường.

Nhờ phát triển mạnh các KCN đã góp phần làm thay đổi diện mạo TX.Bến Cát hiện nay. Ảnh: XUÂN THI

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình KCN theo hướng chuyển từ KCN đa ngành, đa lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên, lao động sang KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa cao; thực hiện thí điểm cho phép xây dựng nhà ở công nhân, nhà nghỉ chuyên gia ở các khu dịch vụ trong KCN nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các KCN khi những khu đô thị chưa được hình thành.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bình Dương sẽ quy hoạch xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; đồng thời chú trọng thi công đồng bộ các công trình giao thông liên vùng nhằm bảo đảm sự liên thông giữa TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…, kết hợp quy hoạch định hướng phát triển khu dân cư mới, khu đô thị vệ tinh, hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và cư dân trong khu vực như: nhà ở, trường học, bệnh viện, khu giải trí… Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN theo một đầu mối tổ chức thống nhất, có sự tham gia của các ban, ngành; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm riêng cho từng đối tượng cần thu hút vốn...

Phát triển nhiều loại hình dịch vụ

Trong thời gian tới, Bình Dương cũng sẽ chú trọng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người lao động làm việc trong KCN và dân cư xung quanh, nhất là những hộ dân bị giải tỏa, các công trình hạ tầng văn hóa - xã hội như trung tâm thể dục - thể thao, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện... Bên cạnh đó, tỉnh nhà tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển hệ thống trường nghề liên kết chặt chẽ với các KCN, gắn trường học với DN; phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng nhằm cung cấp nguồn lao động có trình độ cho các KCN; cùng với đó thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của DN trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tạo dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa DN trong các KCN với trường đại học, trường dạy nghề trên địa bàn và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của DN về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, địa phương sẽ có đề xuất, định hướng cho các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của DN gắn với cơ chế ưu đãi kèm theo và chế độ tuyển dụng sau khi tốt nghiệp và ưu tiên lao động trong diện bị thu hồi đất quy hoạch KCN. Tỉnh cũng tiếp tục tạo mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và nhà trường để tổ chức mở lớp đào tạo trong trường hoặc ngay tại DN; cùng với đó tạo điều kiện thành lập trung tâm đào tạo nghề ngay tại các khu công nghệ cao, KCN cho DN có khả năng đào tạo lại hoặc đào tạo mới nguồn lao động tại chỗ.

Đối với công tác bảo vệ môi trường, đây là một vấn đề lớn luôn được Bình Dương ưu tiên hàng đầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, Bình Dương đề ra giải pháp về công tác bảo vệ và giám sát môi trường trong các KCN từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai dự án đến giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng trong các KCN... Theo đó, những dự án xây dựng mới, mở rộng KCN và kinh doanh hạ tầng KCN phải có báo cáo tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt; quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bên trong công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phối hợp kiểm tra giám sát và xử lý các vấn đề môi trường trong KCN…

Với những biện pháp đã đưa ra sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Dương thực hiện tốt Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2020; đồng thời cũng là điều kiện để Bình Dương tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới.

 Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nâng dần hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện chuyển đổi công năng những khu, cụm công nghiệp, DN sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư tại các đô thị phía nam của tỉnh; cùng với đó hạn chế việc thu hút đầu tư những DN sản xuất bên ngoài KCN. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời triển khai những hoạt động cần thiết để thu hút đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Địa phương cũng sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai; gắn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân và DN với thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường; duy trì và phát huy các mối quan hệ ngoại giao kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại tỉnh nhà...

 

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên