Điều lệ Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết - tỉnh Bình Dương

Cập nhật: 05-01-2016 | 14:47:36

Chương I: Quy định chung

Điều 1: Tên gọi: Giải Báo chí Nguyễn Văn Tiết - tỉnh Bình Dương

Điều 2. Mục đích yêu cầu.

Giải Báo chí Nguyễn Văn Tiết – Giải báo chí tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Giải Báo chí tỉnh) được tổ chức hàng năm là một hoạt động nhằm khuyến khích, bồi dưỡng tài năng báo chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà báo đối với xã hội. Đồng thời thông qua Giải Báo chí tỉnh góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung; phát hiện các tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm của các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh để động viên, khuyến khích những tác giả có nhiều tác phẩm đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Điều 3. Hội Nhà báo Bình Dương là cơ quan thường trực Giải Báo chí tỉnh, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo; Tổ chức lễ trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 hàng năm.

Điều 4. Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Dương được trao cho các tác giả, hoặc nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải (nếu một tác giả hoặc nhóm tác giả có hai tác phẩm cùng đoạt giải thì được nhận giải thưởng cao nhất); được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Dương, kèm theo tiền thưởng.

Kinh phí tổ chức giải bao gồm: Kinh phí giải thưởng, kinh phí tổ chức lễ phát động; kinh phí bồi dưỡng Ban sơ khảo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo; photo, in ấn tài liệu, giấy chứng nhận giải thưởng; tổ chức lễ trao giải thưởng …

Điều 5. Tác phẩm gửi dự giải phải là những tác phẩm báo chí phản ánh về Bình Dương đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (Được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản), có hiệu quả xã hội cao, được dư luận xã hội thừa nhận.

Chương II: Những quy định cụ thể

Điều 6. Tác giả và tác phẩm dự giải.

1. Tác giả:

- Tác giả dự giải báo chí tỉnh gồm: Những người làm báo chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp đang công tác, sinh sống ở trong hoặc ngoài tỉnh.

- Tác giả không vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí, Pháp luật hiện hành và các quy định khác kể từ ngày 01/01 năm trước đến ngày phát giải.

- Tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về bản quyền trước Pháp luật hiện hành và Ban tổ chức giải. Ban tổ chức có quyền thu hồi Giấy chứng nhận giải thưởng, tiền giải thưởng nếu tác giả, nhóm tác giả vi phạm Luật Bản quyền tác giả.

- Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được dự thi.

2. Tác phẩm:

a. Các thể loại tham dự:

- Tin, tin ảnh, bài phản ánh, gương người tốt việc tốt,

- Phóng sự, phóng sự điều tra,

- Xã luận, bình luận, chuyên luận, bút ký báo chí.

- Ảnh đơn và phóng sự ảnh (Ảnh màu hoặc đen trắng. Mỗi phóng sự ảnh không quá 08 ảnh).

b. Tiêu chuẩn xét chọn: Là những tác phẩm phản ánh các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn, khách quan. Nêu được những vấn đề mới, có tính thuyết phục cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, có tính phát hiện; biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, đem lại hiệu quả xã hội thiết thực.

- Bảo đảm tính chân thực (đúng địa chỉ, đúng người, đúng sự việc, đúng số liệu, thời gian).

- Đối với tác phẩm phát thanh – truyền hình dự thi phải đạt chất lượng cao cả về nội dung tư tưởng, nghệ thuật và kỹ thuật.

- Không xét các tác phẩm đang còn chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; các tác phẩm mang tính hư cấu (như tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ - truyền thanh); ảnh ghép, ảnh vi tính, ảnh phong cảnh, tĩnh vật.

c. Tác phẩm dự giải: Là những tác phẩm đã được đăng tải từ ngày 01 tháng 01 đến ngày ngày 31 tháng 12 hàng năm. Riêng Giải Báo chí Nguyễn Văn Tiết năm 2015 là năm đầu tiên nên thời hạn chót được tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2016.

d. Hồ sơ dự giải: Mỗi tác giả, nhóm tác giả được tham dự tối đa 02 tác phẩm. Tác giả phải ghi rõ tên thật và bút danh nếu có; nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại (nếu có) ở cuối tác phẩm để Ban tổ chức tiện liên hệ.

- Đối với báo in: Tác giả phải gửi tác phẩm (bản gốc trang báo in hoặc photo), ghi rõ tên báo hoặc tạp chí được đăng và thời gian đăng.

- Đối với tác phẩm phát thanh, truyền hình: Tác phẩm là đĩa hoàn chỉnh (mỗi tác phẩm ghi riêng vào một đĩa VCD hoặc DVD) kèm theo bản thuyết minh, có văn bản xác nhận đã phát trên sóng giờ, ngày, tháng, năm.

- Đối với tác phẩm ảnh: Ngoài photo tác phẩm được đăng trên báo, ghi rõ chú thích đăng ở báo, tạp chí nào, ngày, tháng, năm đăng và kèm theo 01 ảnh gốc phóng cỡ (12x18) cm.

- Đối với báo điện tử: Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu. Tác giả phải photo tác phẩm, ghi rõ địa điểm sử dụng, thời gian sử dụng.

- Đối với tác phẩm sử dụng tiếng nước ngoài, hoặc tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng Việt, được cơ quan chức năng xác nhận về kết quả dịch thuật đó. Các tác phẩm phản ánh về một chủ đề, một sự kiện, một đối tượng chính, được sử dụng trong một kỳ hoặc nhiều kỳ phải cùng một thể loại báo chí.

- Những tác phẩm dự thi đã được trao thưởng ở các cuộc thi khác do địa phương, ngành, hoặc liên ngành ở Trung ương tổ chức vẫn được quyền dự giải, nhưng phải có bản sao văn bằng, chứng nhận giải thưởng... kèm theo.

Điều 7. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo

1. Ban Tổ chức: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban Tổ chức Giải Báo chí tỉnh Bình Dương trên cơ sở đề nghị của Hội Nhà báo tỉnh, gồm:

- Trưởng ban:. Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Dương.

- Phó trưởng ban thường trực: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh.

- Các thành viên: Mời lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin Truyền thông, Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh, và các Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

2. Ban Giám khảo: Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh ra quyết định thành lập Ban Giám khảo Giải Báo chí tỉnh bao gồm: 09 người.

- Trưởng ban: Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

- Phó trưởng ban thường trực: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh.
Các thành viên, gồm:

Mời đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin Truyền thông tham gia Ban Giám khảo. Thủ trưởng một số cơ quan báo chí; ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Bình Dương; Hội viên Nhà báo có uy tín về nghiệp vụ báo chí.

Ban Giám khảo có nhiệm vụ chấm, xếp giải các tác phẩm dự thi và báo cáo kết quả với Trưởng Ban Tổ chức giải.

3. Phương pháp chấm và xếp giải:

 Do Ban Tổ chức và Ban Giám khảo thống nhất bằng quy chế, phù hợp với tình hình cụ thể từng năm.

Điều 8. Phương thức xét giải.

1. Hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh căn cứ vào Điều lệ Giải báo chí Bình Dương, thông báo và hướng dẫn đến các cơ quan báo chí xét sơ khảo tác phẩm dự thi.

2. Thủ trưởng các cơ quan báo chí chủ trì và phối hợp với các chi hội thành lập ban sơ khảo, tuyển chọn và gửi tác phẩm dự giải đến Thường trực Ban Tổ chức Giải Báo chí tỉnh (Hội Nhà báo Bình Dương) trước ngày 10/04 năm sau. Chi hội nào thực hiện không đúng thủ tục hồ sơ và thời gian quy định thì không được tham dự giải.

3. Tác giả ngoài cơ quan báo chí: Gửi tác phẩm dự giải về Hội Nhà báo Bình Dương trước ngày 31/03 năm sau (có thể gửi trực tiếp, nếu gửi qua đường Bưu điện phải dán tem). Ngoài phong bì ghi rõ: Tác phẩm dự giải Báo chí tỉnh Bình Dương.

4. Hội Nhà báo tỉnh tập hợp các tác phẩm báo chí gửi dự giải, chọn tác phẩm hợp lệ, photo tác phẩm phục vụ việc chấm giải.

5. Ban Giám khảo trực tiếp xem, nghe và chấm tác phẩm phát thanh truyền hình tại văn phòng Hội Nhà báo tỉnh.

6. Thời gian chấm tác phẩm của Ban Giám khảo: Từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 4 năm sau.

Căn cứ kết quả chấm, xếp giải của Ban Giám khảo, Thường trực Hội Nhà báo Bình Dương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định tặng Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Dương cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí đoạt giải.

Điều 9. Cơ cấu Giải thưởng gồm có 4 loại giải tương ứng với các loại hình báo chí:

Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

 Báo in có 4 giải: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép; Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí; Giải ảnh báo chí.

Báo hình (truyền hình) có 2 giải: Giải tin, bình luận, phỏng vấn, chương trình chuyên đề, giao lưu, toạ đàm; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, phim tài liệu truyền hình.

Báo nói (phát thanh) có 2 giải: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh.

Báo điện tử, trên Internet - là loại hình đa phương tiện, có cả bài viết, âm thanh, hình ảnh động và tĩnh, Ban Giám khảo sẽ xem xét, chấm, xếp giải theo hình thức thể hiện tương ứng với ba loại hình báo in, báo hình và báo nói.

Mỗi loại giải gồm có giải A, giải B, giải C và giải Khuyến khích. Số lượng các giải A, B, C và Khuyến khích do Ban giám khảo đề xuất và sẽ do Ban Tổ chức quyết định. 

Chương III. Điều khoản thi hành

Điều 10. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Giải Báo chí Bình Dương và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có vấn đề chưa phù hợp, Ban tổ chức, Ban Giám khảo Giải Báo chí tỉnh và các tổ chức, cá nhân phản ánh về cơ quan thường trực Hội Nhà báo tỉnh để tổng hợp xem xét giải quyết.

TM. BAN TỔ CHỨC GIẢI BÁO CHÍ TỈNH

                     TRƯỞNG BAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên