Điều tra thoái hóa đất kỳ đầu: Phục vụ yêu cầu phát triển tỉnh nhà

Cập nhật: 22-10-2015 | 08:43:49

Nội dung đầu tiên của Dự án điều tra thoái hóa đất tỉnh Bình Dương là điều tra, đánh giá đất đai, từng bước tiến tới đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, khoa học nguồn tài nguyên đất đai của tỉnh, làm cơ sở đề xuất chính sách, biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà...

Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn cho cán bộ cơ sở về công tác tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về đất đai  

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Bình Dương cho biết, Bình Dương thực hiện điều tra thoái hóa đất để xác định diện tích đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ xây dựng chỉ tiêu thống kê diện tích đất bị thoái hóa thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Qua đó, đánh giá được thực trạng thoái hóa đất theo loại đất và loại hình thoái hóa, xác định cụ thể nguyên nhân cũng như xu thế và các quá trình thoái hóa đất, làm cơ sở đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo dự án, Bình Dương sẽ xây dựng bộ bản đồ chuyên đề về thoái hóa đất, bao gồm bản đồ độ phì nhiêu của đất; bản đồ loại sử dụng đất nông nghiệp; bản đồ đất suy giảm độ phì; bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa. Đồng thời, cung cấp dữ liệu cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai theo hướng hiện đại và phục vụ đa mục tiêu; cung cấp thông tin, số liệu tài liệu làm căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2030 và cung cấp số liệu cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và phục vụ nhu cầu thông tin về tài nguyên đất cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác của Nhà nước.

Để kết quả điều tra thoái hóa đất kỳ đầu đầy đủ, toàn diện, chính xác, ông Tủng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra xã hội học, cụ thể là phát 830 phiếu điều tra tình hình sử dụng đất, 830 phiếu lấy mẫu đất ở các điểm điều tra; trên cơ sở đó, báo cáo chuyên đề về điều tra, đánh giá thực trạng và nguyên nhân thoái hóa theo loại thoái hóa và loại đất; báo cáo tổng hợp điều tra thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Bình Dương; bộ biểu thống kê diện tích đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa; bản đồ thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Bình Dương tỉ lệ 1:50.000...

Theo dự kiến, Dự án điều tra thoái hóa đất sẽ tiến hành 4 bước. Đầu tiên là thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến việc lập dự án điều tra thoái hóa đất; khảo sát sơ bộ tại địa bàn, đánh giá chất lượng của các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập; lựa chọn những tài liệu đã thu thập có tính thời sự và độ tin cậy cao; đồng thời lập phương án và dự toán kinh phí thực hiện dự án.

Ở bước 2, dự án sẽ điều tra, khảo sát thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ cho điều tra thoái hóa đất, chọn bản đồ nền địa hình; thực hiện nhóm các tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thoái hóa đất, tài liệu, số liệu, bản đồ về kinh tế - xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất. Sau đó đánh giá lựa chọn các thông tin đã thu thập, xử lý, tổng hợp, chỉnh lý các loại bản đồ chuyên đề, xác định nội dung và kế hoạch điều tra thực địa.

Kế tiếp, dự án sẽ điều tra phục vụ chỉnh lý bản đồ đất và xây dựng bản đồ độ phì nhiêu của đất; điều tra phục vụ xây dựng bản đồ loại sử dụng đất nông nghiệp; điều tra xác định các loại thoái hóa; điều tra tình hình sử dụng đất; xác định ranh giới khoanh đất theo các chỉ tiêu lên bản đồ dã ngoại tại thực địa; chấm điểm điều tra lên bản đồ dã ngoại và định vị điểm điều tra bằng thiết bị định vị GPS. Song song đó, chọn vị trí và chụp ảnh minh họa điểm điều tra, mô tả thông tin về điểm điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung, mô tả thông tin về điểm điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung về các nội dung cần điều tra và lấy mẫu đất, gồm lấy mẫu đất, đóng gói và bảo quản mẫu đất; viết phiếu lấy mẫu đất.

Bước cuối cùng là tổng hợp xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp, bao gồm phân tích mẫu đất và các mẫu đất được phân tích theo các chỉ tiêu được quy định tại Thông tư số 14/2012/ TT-BTNMT, gồm dung trọng, độ chua của đất (pHKCl), chất hữu cơ tổng số (OM%), thành phần cơ giới (cát, cát mịn; limon; sét), dung tích hấp thu (CEC), nitơ tổng số (N%), phốt pho tổng số (P2O5%), kali tổng số (K2O%). Đồng thời, tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ xây dựng bản đồ thoái hóa đất và đánh giá thoái hóa đất; sao chuyển mạng lưới điểm điều tra, điểm lấy mẫu, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ nền; xây dựng báo cáo kết quả điều tra nội, ngoại nghiệp và bản đồ chuyên đề thoái hóa đất kỳ đầu. Đến đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá thực trạng và nguyên nhân thoái hóa đất, xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả dự án và dự kiến nghiệm thu hoàn thành sản phẩm toàn dự án vào tháng 4-2016.

 

 P.V

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên