Đô thị phát triển mạnh, bảo đảm quy hoạch - Kỳ 3

Cập nhật: 17-06-2020 | 07:32:43

Kỳ 3: Đầu tư hạ tầng đồng bộ

 Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị được hình thành và phát triển. Bên cạnh đó là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng được đầu tư đồng bộ, đã tạo nên động lực mạnh mẽ để đô thị Bình Dương ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

 Hạ tầng đô thị Bình Dương được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển Ảnh: XUÂN THI

 Từ hạ tầng kỹ thuật…

Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được tỉnh chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung, tạo nên diện mạo khang trang của đô thị. Các trục giao thông mang tính liên kết vùng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nếu Quốc lộ 13 là tuyến giao thông huyết mạch nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp về phía bắc, thì đường Mỹ Phước - Tân Vạn lại đóng vai trò kết nối trung tâm Bình Dương đến cảng biển, sân bay quốc tế phù hợp theo quy hoạch chung của vùng, giúp kết nối giao thông nhanh, hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, ĐT743A, ĐT743B, Thủ Biên - Đất Cuốc, mở rộng Quốc lộ 13…

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án logistics có quy mô lớn như IDC Tân Cảng - Sóng Thần, U&I… Hệ thống thoát nước dọc các trục giao thông chính và giao thông đô thị được chú trọng đầu tư. Hàng loạt dự án như Bưng Biệp - suối Cát, Chòm Sao - suối Đờn, kênh Ba Bò, Bình Hòa, trục thoát nước suối Giữa, suối Cát, hệ thống thoát nước phường Dĩ An, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp…. đã và đang phát huy hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư mở rộng phục vụ cho người dân đô thị. Đến nay, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,62% (so với trung bình cả nước mục tiêu dự kiến đạt tỷ lệ 88% năm 2019, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt tỷ lệ 99% năm 2 020).

Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến nay Bình Dương có 288 dự án đang triển khai, bao gồm 155 dự án tiếp tục từ giai đoạn trước năm 2015 và 133 dự án phát triển mới. Việc triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở theo quy hoạch được duyệt đã góp phần nâng cao tỷ lệ đường cấp đô thị và tạo nên bộ mặt đô thị xứng tầm với cấp được phân loại.

…đến hạ tầng xã hội

Cùng với hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội. Các cơ sở giáo dục - đào tạo từ cấp học mầm non đến đại học tiếp tục được đầu tư xây dựng mới. Khu vực nội thị trên toàn tỉnh có tiêu chuẩn về cơ sở giáo dục - đào tạo cấp đô thị 86 cơ sở (so với tiêu chuẩn đô thị đặc biệt quy định đạt từ 20 - ≥ 30 cơ sở). Đến nay toàn tỉnh có 654 trường học và trung tâm giáo dục thường xuyên, mạng lưới trường lớp được quy hoạch tốt, có 284/385 trường, trung tâm được lầu hóa, đạt tỷ lệ 73,8% (hệ công lập).

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng và thu hút các dự án, công trình y tế, như: Bệnh viện 1.500 giường, Quốc tế Hạnh Phúc, Colombia, Quốc tế Becamex, Hoàn Hảo…. Khu vực nội thị trên toàn tỉnh có tiêu chuẩn về cơ sở y tế cấp đô thị đạt 23 giường/1.000 dân (tiêu chuẩn quy định đối với đô thị loại I đạt từ 2,4 - ≥2,8 giường/1.000 dân).

Bình Dương cũng đã thu hút, kêu gọi thành công nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng thương mại - dịch vụ gắn liền với việc phát triển đô thị mà trung tâm là các TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Thuận An và TX.Bến Cát. Khu vực nội thị trên toàn tỉnh có 14 công trình thương mại - dịch vụ cấp đô thị (so với tiêu chuẩn quy định đô thị đặc biệt đạt từ 14 - ≥20 công trình). Toàn tỉnh đã có 106/122 chợ truyền thống (đạt 86,9%), 11/24 siêu thị (đạt 45,8%) và 3/37 trung tâm thương mại (đạt 8,1%) trên tổng số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đã quy hoạch đến năm 2020. Đặc biệt, năm 2019 UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương và ký kết hợp tác chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, khu vực nội thị trên toàn tỉnh có 44 công trình văn hóa cấp đô thị (so với tiêu chuẩn quy định đô thị đặc biệt đạt từ 10 - >14 công trình). Cùng với các công trình văn hóa công lập, nhiều công trình ngoài công lập cũng được doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư.

Các dự án, công trình đã góp phần tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, đưa các địa phương trở thành đô thị tập trung. Đồng thời góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước.

Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ:

Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã phát triển hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ, bảo đảm kết nối với mạng lưới giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đô thị hóa tại Bình Dương diễn ra mạnh mẽ. Trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Bình Dương là một trong những địa phương thực sự năng động, dẫn đầu cả nước trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Lee Taek Ku, Trưởng ban Điều hành Kế hoạch và Hợp tác TP.Daejeon (Hàn Quốc):

Hiện nay, Bình Dương là một tỉnh có đô thị phát triển, cũng là tỉnh có năng lực về hạ tầng để có thể tổ chức tốt những sự kiện mang tầm quốc tế. Hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện. Bên cạnh đó, các công trình, dự án được đầu tư hiện đại, khang trang, đặc biệt thành phố mới Bình Dương được quy hoạch đạt chuẩn quốc tế, thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh. Bình Dương tổ chức thành công, tốt đẹp các sự kiện quốc tế, từ đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tạo động lực đưa Bình Dương trở thành một thành phố thông minh như chủ trương mà tỉnh đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC:

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn kéo dài đến huyện Bàu Bàng và kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường Tân Uyên -Phú Giáo - Bàu Bàng là những dự án giao thông quan trọng của tỉnh nhằm tạo thêm một điểm nhấn về kiến trúc, mở rộng liên kết giữa Bình Dương, Bình Phước với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực, tạo bộ mặt mới trong xây dựng đô thị. Các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ gắn kết giao thông giữa các vùng công nghiệp hướng tới cảng sông, cảng biển trong tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành chuỗi cung ứng Logistic - hậu cần công nghiệp một cách đa dạng, liên thông, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Tổng Công ty Becamex IDC:

Trong những năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Bình Dương tương đối bài bản, đồng bộ, đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong luân chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, kết nối vùng mà còn tạo lập môi trường sống, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho người dân, lao động nhập cư trên địa bàn tỉnh.

Ông Alecxander Christopher Falter, Giám đốc điều hành Công ty Giày ECCO (Đan Mạch):

Bình Dương là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp vì môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng rất tốt, nhất là hạ tầng giao thông và khu công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư hoạt động tại Bình Dương đều làm ăn hiệu quả, thành công.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên