Đoàn kết là đòi hỏi của cuộc sống

Cập nhật: 01-07-2014 | 13:53:08

Tư tưởng Đại đoàn kết được Đảng ta vận dụng đúng đắn, đã tạo ra sức mạnh phi thường đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thử thách.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Khi mọi nguồn lực, sức mạnh và ý chí của mỗi chúng ta cùng hướng về mục tiêu chung thì “dời non lấp biển” cũng không phải là việc quá khó khăn.

Thực tiễn hơn 8 thập kỷ qua đã minh chứng một chân lý rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là sức mạnh quyết định thành bại của mọi cuộc cách mạng. Tư tưởng Đại đoàn kết và chính sách Mặt trận được Đảng ta vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong từng thời kỳ, được toàn dân ta tin tưởng một lòng và quyết tâm thực hiện, đã tạo ra sức mạnh phi thường đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách. Không nhắc lại nữa những ngày đấu tranh chống giặc ngoại xâm hay thuở chính quyền của nhân dân còn trong trứng nước, chỉ nhìn vào những gì xảy ra mới đây thôi cũng đủ thấy rõ điều ấy.

 Đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh quyết định mọi thành công (Ảnh minh họa)

Nếu không có sự chung sức đồng lòng của toàn dân thì lấy đâu ra hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để trợ giúp người nghèo về tư liệu sản xuất, cứu đói lúc giáp hạt, xây nhà đại đoàn kết, thanh toán viện phí, hỗ trợ con em người nghèo tới trường…

Nếu không đoàn kết thì làm sao phát động và duy trì có hiệu quả thực sự các phong trào thi đua yêu nước cũng như những cuộc vận động “đền ơn đáp nghĩa”, “thương người như thể thương thân”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Có thể kể ra số liệu cụ thể, nhưng hiệu quả của công tác Mặt trận những năm qua trên thực tế đã vượt ra ngoài, vượt lên trên những con số. Nói gọn lại là việc gì khó đều cần đến vai trò của Mặt trận để tập hợp nhân dân đoàn kết chung sức đồng lòng vượt qua. Hình thức tập hợp, đoàn kết cũng rất đa đạng, phong phú, quy tụ được những hạt nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào những công việc lớn và trọng đại của đất nước. Đồng thời, thông qua đó chúng ta đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau ; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, tiến tới hòa giải, hòa hợp dân tộc; tạo ra những diễn đàn thực sự của nhân dân để lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng mọi ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung.

Rõ ràng, Mặt trận đã thể hiện được vai trò là cơ sở, là nền tảng chính trị của Nhà nước, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận còn là nơi mà nhân dân gửi gắm tâm tư, tình cảm, ý nguyện, và cả những đòi hỏi nữa. Bởi, khi mọi nguồn lực, sức mạnh và ý chí của mỗi người chúng ta cùng hướng về mục tiêu chung thì “dời non lấp biển” cũng không phải là việc quá khó khăn. Song, cách làm Mặt trận cũng cần có sự thay đổi cho năng động, hiệu quả. Cụ thể hóa mục tiêu chung thành những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn hoặc trong phạm vi hẹp cũng là cách thức làm đa dạng và phong phú thêm hình thức tập hợp, đoàn kết nhân dân. Và đó cũng là đòi hỏi của nhân dân đối với mặt trận, là đòi hỏi của cuộc sống. Chẳng hạn, với mục tiêu đến năm 2020 thu nhập thực tế của người dân tăng gấp 3,5 lần thì có làm được đều khắp không, hay lại gia tăng thêm khoảng cách giàu nghèo? Rồi cứ chăm chăm vào chỉ tiêu tăng trưởng có làm cho từng địa phương, từng đơn vị thiếu quan tâm tới an sinh xã hội hay không?  “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” khác với “cải cách giáo dục” ra sao?  Và còn nữa, làm thế nào để giám sát có hiệu quả việc thực hiện chính sách dân số, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề bức xúc về việc làm, y tế, tai nạn giao thông... Hay cụ thể hơn có thể là tiền công trả cho người lao động không theo kịp giá cả sinh hoạt, hay biệt thự bỏ hoang ngày càng nhiều trong khi người có thu nhập thấp khó mà mơ về một căn hộ an cư. Hoặc cũng có thể là những câu hỏi vĩ mô như tái cấu trúc nền kinh tế, sát sườn như thống tham nhũng, lãng phí, phòng chống thiên tai, xả lũ thủy điện, kể cả vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh,...

Còn rất nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi chúng ta xem xét, đánh giá khách quan, kịp thời để có giải pháp phù hợp, bổ sung chủ trương, chính sách nhằm bồi đắp và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn toàn dân tộc. Bởi, việc lớn hay việc nhỏ cũng vậy thôi, nếu không có sự đoàn kết chung sức, đồng lòng thì khó mà thực hiện được cho tới nơi tới chốn.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên