Doanh nghiệp chăn nuôi: Chủ động để giữ vững thị trường nội địa

Cập nhật: 19-03-2020 | 08:25:09

 Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số tăng kỷ lục về tình hình nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt gióng lên hồi chuông cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước về việc giữ vững thị trường nội địa.

 Ban quản lý chợ Thủ Dầu Một chủ động ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần CP để bình ổn giá cả thị trường. Trong ảnh: Thịt heo bày bán tại một quầy hàng ở chợ Thủ Dầu Một

 Nhập khẩu tăng

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 15- 3-2020, Việt Nam đã nhập khẩu 25.291 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada chiếm 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Braxin 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%... Con số này là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, trong đó có các doanh nghiệp tại Bình Dương về việc giữ vững thị trường nội địa. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, chắc chắn các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi. Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã tiếp tục cảnh báo nếu không kìm được giá thịt heo ở mức có cả lợi ích người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, chắc chắn Chính phủ sẽ mở cửa thị trường, cho phép nhập khẩu thịt heo nhiều hơn nữa.

Trước tình hình này, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại địa phương phải nghiêm túc thực hiện bình ổn giá thị trường, cân đối mức giá hợp lý. Nếu để mức giá tăng cao Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu thịt heo từ Mỹ, Australia, Canada, Lào, Campuchia. Ông Lê Thanh Tâm khuyến cáo các doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh và sản xuất để rồi sau này mất thị trường thì thiệt hại rất lớn. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cần tập trung thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh tốt để chăn nuôi phát triển ổn định. Bên cạnh đó, để ổn định thị trường, các doanh nghiệp sản xuất con giống, sản xuất heo thương phẩm cần hạ giá bán thấp hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần giảm giá mặt hàng cám, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thịt heo hạ giá thành.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thời gian qua, sở cũng đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn về bình ổn thị trường. Tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp đều đồng tình với nhận định là cần phải bình ổn giá cả và cung cầu trên thị trường. Cùng với việc bình ổn thị trường trên cơ sở các bên cùng có lợi, các doanh nghiệp cần nhận ra là đang giúp bản thân doanh nghiệp trong vấn đề giữ vững thị trường nội địa. Ông Hồ Văn Bình nhấn mạnh đã đến lúc các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển chuỗi cung ứng, giữ vững thị trường trong nước. Trong đó, doanh nghiệp lớn về thịt heo cần có vai trò dẫn dắt. Khi các đơn vị này vào cuộc, bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đi theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, hôm nay lãi thì ngày mai mất thị trường. “Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững”, ông Hồ Văn Bình nhấn mạnh.

Cần thực hiện bình ổn giá

Đồng tình với chủ trương bình ổn thị trường để phát triển bền vững, ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP chia sẻ phải làm thế nào để giữ được giá thịt heo hơi dưới 50.000 đồng/kg. Về phía doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác để duy trì ổn định giá cả. Đó cũng là mong muốn của doanh nghiệp, vì nếu ổn định được thì mới phát triển bền vững.

Chia sẻ về vấn đề chủ động bình ổn giá thị trường thịt heo, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Trưởng ban Quản lý chợ Thủ Dầu Một cho rằng các chợ cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng để bình ổn giá thị trường và nguồn thịt. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương cho biết nhiều năm qua, Ban quan lý chợ Thủ Dầu Một đã ký hợp đồng cung ứng với Công ty Cổ phần CP để nguồn thịt heo giữ được giá bình ổn, cung ứng đủ nguồn hàng cho tiểu thương trong bất cứ diễn biến nào của thị trường.

Về vấn đề nguồn cung thịt heo hiện nay, ông Lê Thanh Tâm tiếp tục khẳng định, Bình Dương không thiếu nguồn cung thịt heo. Ngoài việc cung ứng cho thị trường trong tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Theo đó, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay là 736.688 con (đàn heo nái là 32.240 con), trong đó chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ là 36.465 con (chiếm tỷ lệ 4,95 % so với tổng đàn) và chăn nuôi quy mô trang trại tập trung là 700.223 con (chiếm tỷ lệ 95,05 % so với tổng đàn). Mặc dù tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 5,79 % so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ (giảm 59,97 %). Đối với chăn nuôi trang trại tập trung và ở các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng đàn heo tăng 1,35 % và chỉ giảm đàn đối với heo nái.

Trả lời về vấn đề trong những ngày gần đây giá thịt heo tại một số chợ trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, ông Lê Thanh Tâm khẳng định việc tăng giá chỉ xảy ra ở một số chợ nhỏ lẻ khi nguồn cung phụ thuộc vào thương lái. Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt heo, sở đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hỗ trợ các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái đàn, tăng đàn heo theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đến nay việc tái đàn tập trung thực hiện tại các công ty chăn nuôi gia công và các trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp chăn nuôi tại Bình Dương đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu.

Trong thời gian qua. UBND tỉnh tích cực quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Một trong những nội dung đã được tỉnh thực hiện là chỉ đạo UBND các cấp phối hợp với cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn chăn nuôi heo và chỉ khuyến khích tái đàn chăn nuôi đối với các trại chăn nuôi tập trung theo hình thức trại kín (trại lạnh) và bảo đảm an toàn sinh học. Qua đó, cho thấy hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà UBND tỉnh và các ngành chức năng đã thực hiện để khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời các trang trại và các công ty chăn nuôi đều được tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp sản phẩm cho thị trường.

(Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên