Doanh nghiệp cơ điện: Gỡ khó về vốn, lao động

Cập nhật: 22-02-2019 | 05:52:31

Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) cơ điện tại Bình Dương đã có những nỗ lực rất lớn trong việc áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2019, các DN cơ điện của tỉnh tiếp tục nhận được tín hiệu rất tốt từ thị trường, tuy vậy họ cũng đang đối diện với không ít thách thức. 

 “Khát” vốn, lao động tay nghề cao

Lãnh đạo các DN thành viên Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2019 của họ có nhiều thuận lợi. Năm 2018, có những DN thành viên hiệp hội đạt mức tăng trưởng 100% so với năm 2017. Đến nay, nhiều DN thành viên đã có hợp đồng cho cả năm 2019.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ CNC (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát), năm 2019 có nhiều tín hiệu tốt cho ngành cơ điện. Ông Trọng đánh giá, thị trường của DN cơ điện đang có rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên, các DN đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao và vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tình hình mới.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Sản xuất TM DV cơ khí Kim Chung, cho hay công ty chuyên sản xuất các sản phẩm đúc và gia công cơ khí chính xác. Thời gian qua, công ty nhận được sự tín nhiệm rất lớn từ khách hàng. Nhờ đó, trong năm 2018, doanh thu của công ty tăng 100% so với năm 2017. Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm của công ty đang gia tăng. Tuy vậy, công ty đang gặp khó khăn về vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao, nên việc mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của khách hàng đang gặp rất nhiều trở ngại.

Vấn đề mà các DN cơ điện đang lo là lãi suất vay tại các ngân hàng để đầu tư tài sản cố định hiện nay quá cao (từ 8,8 - 10,8%/năm) nên các công ty rất khó khăn để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của DN trong tình hình mới. Các DN cơ điện cũng mong muốn ngân hàng không yêu cầu bổ sung tăng tài sản thế chấp đối với các ngân hàng có lịch sử tín dụng tốt nhằm tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất và giảm bớt áp lực về nguồn vốn vay phát triển sản xuất.

Bên cạnh vấn đề vốn, lãnh đạo nhiều DN cơ điện trên địa bàn tỉnh cho biết họ cũng đang gặp khó về nguồn lao động. Theo ông Trọng, do là ngành đặc thù nên ngành cơ điện đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao và mức lương cao so với mặt bằng hiện nay. Hiện tại các DN cơ điện trên địa bàn tỉnh nguồn nhân lực này đang thiếu hụt trầm trọng. Nguyên nhân là do hiện nay nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ chưa sát với yêu cầu của DN, gây khó khăn cho DN trong quá trình đào tạo lại. Thêm vào đó, hiện các DN cơ điện phần lớn là các DN vừa và nhỏ, dù được trả mức lương cao nhưng người lao động vẫn muốn làm việc cho DN có quy mô lớn hơn.

Đẩy mạnh liên kết

Các chuyên gia nhận định, trong xu thế hội nhập, các DN cần giữ vững thị trường trong nước. Đây là một điều kiện tiên quyết để DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ hợp tác của DN cơ điện với các hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước chưa tốt.

Với các hiệp hội, ngành hàng trong nước, ông Trọng cho rằng mối quan hệ ngoại giao đã được thiết lập từ lâu nhưng số DN trong Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cung ứng nguồn hàng cho các DN còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng họ còn thiếu môi trường liên kết hiệu quả để có thể kết nối, gặp gỡ đối tác.

Hiệp hội Cơ điện Bình Dương mong muốn các ngành chức năng cung cấp thông tin những dự án đầu tư vào Bình Dương để DN cơ điện có thể chủ động tìm kiếm đối tác nhằm cung ứng sản phẩm cơ điện Bình Dương cho các đối tác này. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng mong các ngành chức năng tạo điều kiện để lãnh đạo các DN trong nước được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các DN nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội tiếp cận, tiếp thị, hợp tác.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định trong phạm vi, chức năng của mình, sở sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, đưa những kiến nghị của DN đến các ngành chức năng nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề DN nêu lên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Riêng về về vấn đề lao động, bà Hà cho biết thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị kết nối DN với các trường đại học, dạy nghề để phát triển chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa nhiệt tình tham gia hội nghị này.

Được biết, Sở Công thương đang tiến hàng xây dựng cơ sở dữ liệu DN. Hy vọng đây là nguồn thông tin quý giá để Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất.

 Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới, các DN cơ điện cần quan tâm hơn đến các hội nghị về lao động để trực tiếp kết nối với các cơ sở đào tạo, đặt hàng nguồn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Riêng với nguồn quỹ hỗ trợ mà DN nhận hỗ trợ từ Quỹ Phát triển công nghiệp do Sở Công thương chủ trì, các DN cần nhân rộng hiệu quả của việc ứng dụng máy móc, công nghệ từ nguồn quỹ này.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên