Doanh nghiệp da giày cần khai thác tốt lợi thế

Cập nhật: 17-07-2018 | 08:05:57

Năm 2018, ngành da giày trong nước có nhiều thuận lợi khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết có hiệu lực, mở ra cơ hội để doanh nghiệp thu hút đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Lợi thế cạnh tranh cao

Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 3 về sản xuất da giày. Hiện nay, thị trường xuất khẩu da giày lớn của Việt Nam là Mỹ, chiếm 36%, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, với nhiều FTA đã được ký kết, thực thi, trong đó có những FTA với các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Nhật, Nga, ASEAN... Hoạt động này giúp các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi hơn và tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất xuất khẩu.

 Dây chuyền sản xuất giày của Công ty Hưng Thịnh (TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp phụ trợ. Hầu hết công nhân làm việc trong ngành da giày tại nước ta có kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia, Myanmar…

Tại Bình Dương, các sản phẩm giày dép xuất khẩu đang dần khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế và được khách hàng ưa chuộng. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu của ngành da giày ổn định, không tăng so với cùng kỳ, góp phần tạo nên thành công của ngành da giày tỉnh nhà. 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh đạt 1 tỷ 278,4 triệu USD, tãng 16,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,4% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

Theo Sở Công thương, trong năm 2018, khi FTA Việt Nam- EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mặt hàng giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn khi xuất khẩu vào thị trường này, do sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được giảm ngay thuế suất về 0%, đặc biệt là sản phẩm túi xách và giày thể thao (mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu vào EU). Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết cũng sẽ góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu da giày, túi xách trong năm 2018. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại trăn, cá sấu Ngọc Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của công ty tiếp tục ổn định và tăng trưởng; lượng đơn hàng xuất khẩu tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Đến thời điểm này, công ty đã ký được các đơn hàng đến hết năm 2018.

Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định

Bên cạnh những cơ hội mà các FTA mang lại, ngành giày da trong nước vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, như gia tăng chi phí nhân công, khả năng tự động hóa, xu hướng bảo hộ thương mại của một số thị trường... Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết năm 2018 ngành da giày có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường này các doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng được những quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy tắc xuất xứ cho các bộ phận đối với sản phẩm da giày; cần nắm rõ về những rào cản kỹ thuật trong thương mại, nhất là các quy định về hạn chế hóa chất độc hại, quy định về an toàn sản phẩm tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá) được áp dụng tại EU. Còn bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho rằng doanh nghiệp da giày Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ nguyên liệu nội địa hóa cũng như trách nhiệm xã hội khác đã cam kết.

Theo các chuyên gia, ngành da giày luôn gắn liền với ngành thời trang, vì vậy các doanh nghiệp phải rút ngắn thời gian giao hàng, bắt kịp các xu hướng của thị trường. Kể cả những doanh nghiệp gia công cũng phải thay đổi, tham gia nhiều hơn vào việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm như thiết kế, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu để hỗ trợ khách mua hàng tốt hơn.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu, trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại, gặp gỡ đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư...

 Ông Lee Young Man, Chủ tịch Hiệp hội ngành giày Việt Hàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sunghyun Vina, cho biết những lợi thế từ các FTA mang lại sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp da giày Hàn Quốc tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp giày, hiệp hội đang hướng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành giày thông qua hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam…

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên