Doanh nghiệp “đói” vốn công nghệ

Cập nhật: 19-06-2018 | 07:54:59

 Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt sản phẩm về giá thành, chất lượng, yếu tố công nghệ sẽ quyết định lợi thế cho sản phẩm. Nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng được sở hữu công nghệ hiện đại…

Khó tiếp cận vốn ưu đãi

Công ty TNHH Mai Thu (TX.Dĩ An) là DN chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm… Sản phẩm của đơn vị có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giá cả chất lượng hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Điều làm Mai Thu thua kém các đối thủ chính là công nghệ, hiện nay sản phẩm xuất xưởng từ DN chủ yếu là gia công, dựa nhiều vào lao động phổ thông. Trong khi các DN cùng ngành nghề đã có hàm lượng công nghệ rất cao.

 

Nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư phát triển công nghệ để đổi mới sản xuất nhưng còn vướng nhiều thủ tục. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất gỗ hiện đại của Công ty Gỗ Lâm Việt. Ảnh: P.HIẾU

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Công ty Mai Thu cho biết, gần 10 năm trước DN đã tích cực tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị... Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng. Một trong nguyên nhân là do đơn vị thẩm định giá nhà xưởng, năng lực tài chính của Mai Thu quá thấp, nên bà Thu chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay lên đến hàng tỷ đồng… Không có sự hỗ trợ kịp thời để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, sản phẩm của công ty đang mất dần lợi thế so với sản phẩm ngoại nhập ngay trên thị trường Bình Dương.

Bình Dương đã vận hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để hỗ trợ cho các DN. Tuy nhiên, các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay này vì còn quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, quy định DN được khuyến khích trích 10% từ thu nhập trước thuế để lập quỹ, nhưng khi muốn sử dụng quỹ thì phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối…

Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe (TX.Dĩ An) cho biết, qua các phương tiện truyền thông thì biết có các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư KH&CN nhưng thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà. Là một DN vừa và nhỏ nhưng công ty đã 2 lần không hoàn thành đủ thủ tục để vay vốn từ Quỹ phát triển KH&CN tỉnh.

Nỗ lực từ DN

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt dẫn chúng tôi đi tham quan nhà xưởng của công ty. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là những cỗ máy CNC hoàn toàn tự động thực hiện hàng chục công đoạn trong việc chế biến, sản phẩm gỗ. Theo ông Liêm, những cỗ máy CNC là công nghệ tiên tiến nhất của Ý, được nhiều DN, tập đoàn gỗ lớn trên thế giới ưa chuộng. Mỗi cỗ máy có giá 4 - 5 tỷ đồng, để trang bị hàng chục máy CNC này, Lâm Việt mất vài trăm tỷ đồng. Ông Liêm cho biết thêm, một cỗ máy có thể thay thế hàng chục công nhân, CNC có thể tự thực hiện các thao tác kỹ thuật chính xác đến từng milimet. Điều quan trọng hơn các máy CNC giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm rất nhiều. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, thời gian giao hàng là một lợi thế rất lớn khi cạnh tranh với các đối thủ.

Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An) đã đầu tư hàng triệu USD để nhập những hệ thống máy móc sản xuất hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật, Ý... để cải tiến máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh với các mặt hàng gốm sứ ngay thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhìn chung đa số các DN hiện nay đều rất quan tâm đến vấn đề cải tiến máy móc, trang bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất. Tuy vậy với đa số DN vừa và nhỏ nguồn lực tài chính còn eo hẹp, việc mua sắm thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại là cả một thách thức

Bộ KH&CN đã xác định DN là trung tâm đổi mới công nghệ và có những giải pháp mạnh để các DN tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Bộ đã đề xuất đưa vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI quan điểm buộc các DN Nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN; khuyến khích thực hiện đối với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh được thành lập nhằm tạo nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ. Việc giải ngân nguồn vốn đòi hỏi tổ chức, cá nhân có đề án cụ thể, có tính khả thi cao, sau khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ sẽ thông qua Hội đồng khoa học để đánh giá để quỹ có cơ sở ký hợp đồng và tiến hành giải ngân vốn. Trong thời gian tới, sở sẽ rà soát lại các quy định, thủ tục để tiếp tục hỗ trợ DN đầu tư phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên