Doanh nghiệp gỗ nội cần trợ lực

Cập nhật: 05-09-2019 | 08:09:14

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản trong 8 tháng năm 2019 ước đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,660 tỷ USD. Xuất siêu lâm sản 8 tháng qua của cả nước đạt 5,402 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ lực của lâm sản nước ta là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bình Dương đang là thủ phủ của ngành gỗ cả nước, đóng góp gần 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đơn hàng của các doanh nghiệp gỗ trong nước hiện nay còn nhiều, tập trung vào 3 tháng cuối năm 2019. Ngành gỗ Bình Dương đang nỗ lực đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD của toàn ngành trong năm nay.

Được biết, hiện nay, đối với gỗ nhập khẩu, chúng ta đã kiểm soát được nguồn gốc. Để bảo đảm nguồn gỗ có xuất xứ hợp pháp, một trong những nhiệm vụ đặt ra cho ngành gỗ trong nước là phải sử dụng kỹ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Điều cốt lõi để hiện thực hóa mục tiêu vượt qua con số 11 tỷ USD giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ đóng vai trò quan trọng nhất.

Ngoài ra, sự chênh lệch về sức đóng góp giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là vấn đề đang được Chính phủ quan tâm. Cụ thể, năm 2018, trong tổng số 3.200 doanh nghiệp gỗ có các hoạt động xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD, số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm gần 20% nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 47% trong tổng kim ngạch toàn ngành. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp gỗ của Việt Nam lại chỉ chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh chia sẻ các doanh nghiệp trong ngành đang thực hiện nhiều mô hình phát triển bền vững và đạt được kết quả cao. Tuy nhiên, để vươn xa hơn nữa các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các chính sách quản lý và đầu tư của Chính phủ. Điểm yếu của các doanh nghiệp gỗ trong nước hiện nay là trình độ quản trị, năng suất lao động thấp, thiếu vốn để đầu tư chiều sâu công nghệ. Những vấn đề này có liên quan trực tiếp và tác động lẫn nhau. Chính phủ cần thêm những giải pháp khác để giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề trên.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên