Doanh nghiệp LOGISTICS: Tăng cường liên kết để phát triển

Cập nhật: 17-10-2017 | 08:36:45

Bình Dương hiện có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics, với 21 kho ngoại quan, 4 kho gom hàng lẻ (CFS), 2 cảng cạn (ICD) và 31 đại lý hải quan, để cung cấp dịch vụ logistics cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều DN logistics có năng lực rất tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà...

Giải quyết sớm những khó khăn

Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 200) đề ra mục tiêu là giảm chi phí logistics, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung. Điều này đòi hỏi các DN logistics Bình Dương phải phấn đấu vươn lên, hợp tác với DN trong nước và DN nước ngoài nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics để thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định 200 đã đề ra.

Hoạt động vận tải hàng hóa tại Trung tâm logistics Tân Cảng Sóng Thần. Ảnh: DUY CHÍ

Một thông tin đáng mừng là trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Logistics Việt Nam, ngày 8-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics. Động thái này của Chính phủ sẽ tiếp tục mở ra những thuận lợi cho các DN logistics trên địa bàn tỉnh.

Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc cắt giảm chi phí nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN. Theo lãnh đạo nhiều DN tại Bình Dương, dịch vụ logistics (vận chuyển, kho bãi, giao nhận, thủ tục hải quan, bảo hiểm…) ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố cạnh tranh hàng hóa của DN, song chi phí logistics của nước ta hiện còn quá cao. Điều này dẫn đến việc nhiều DN xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, về phía DN, hiện nay, các DN logistics tại Bình Dương vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các DN xuất nhập khẩu; cùng với đó chưa tạo ra sự gắn kết, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN của tỉnh. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo nhiều DN logistics cho rằng việc liên kết giữa DN sản xuất, xuất nhập khẩu với DN logistics chưa chặt chẽ do đa số DN hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và chuyên môn hóa theo từng nhóm thế mạnh. Chính vì thế, các DN này chưa có điều kiện để thường xuyên hợp tác lâu dài, tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của DN xuất nhập khẩu.

Liên kết để phát triển

Bà Nguyễn Thị Hồng Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Nam cho biết, DN logistics tại Bình Dương phát triển nhanh, đi từ hoạt động truyền thống như vận chuyển, kho bãi… nay đang phát triển các dịch vụ tích hợp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tuy vậy, năng lực của các DN logistics không đồng đều; một số DN nhỏ dịch vụ đơn giản, rời rạc, hoạt động còn phân tán, thiếu kết nối. Hiện nay, toàn tỉnh có 50 DN logistics, hoạt động chủ yếu của DN nhỏ dừng lại ở giao nhận, vận tải, các dịch vụ kho bãi, cảng biển, xếp dỡ… Đối với các DN này, thay vì phân công lao động theo sự chuyên môn hóa giữa các DN logistics, họ vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm và làm tất cả các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics. Vì vậy, các dịch vụ cung cấp thường thiếu tính chuyên môn hóa cao, dẫn đến chất lượng thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, một vấn đề nan giải là tình trạng thiếu đội ngũ nhân viên logistics chuyên nghiệp. Chính vì thế, hiện nay đa số các công ty logistics ở Bình Dương đảm nhiệm luôn vai trò đào tạo lại nguồn nhân lực thông qua thực tiễn công việc.

Tại cuộc họp thống nhất các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương do Sở Công Thương tổ chức vừa qua, đại diện các DN hy vọng hiệp hội ra đời sẽ tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Giao thông - Vận tải, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hải quan… Từ đó, các DN có điều kiện để đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật có liên quan, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của DN trong kinh doanh để ngành chức năng giải quyết, cùng với đó tạo được mối liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động logistics luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu, mà tiềm năng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Bình Dương là rất lớn. Việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương sẽ nâng cao vai trò hỗ trợ các hội viên trong công tác hướng dẫn, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ người lao động, đồng thời có tiếng nói đại diện với các cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện để ngành logistics tỉnh nhà phát triển. Ngành công thương đang hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa quy trình để Hiệp hội Logictics Bình Dương ra mắt vào tháng 6-2018 theo đúng kế hoạch. Đây là một điều kiện thúc đẩy các DN logistics tại Bình Dương phát triển xứng tầm và làm tốt hơn vai trò kết nối đối với các DN trong toàn tỉnh.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên