Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Cập nhật: 11-07-2016 | 09:56:54

 Do ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản (BĐS), các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2, thay vì khai thác mỏ đá mới, công ty đã xin chủ trương hạ code mỏ đá cũ xuống -120m và giảm chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2015.

Nhờ đẩy mạnh cổ phần hóa, Nhà máy nước Dĩ An II được xây dựng và đưa vào vận hành đã giải quyết kịp thời nhu cầu nước sạch cho nhiều xã, phường trên địa bàn TX.Dĩ An. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Thiền (bên phải), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương hướng dẫn khách tham quan Nhà máy nước Dĩ An Ảnh: DUY CHÍ

Tuy vậy, kế hoạch này đã không nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư chiến lược, bởi vì thị trường xây dựng cơ bản vừa không có lãi vừa khó thanh toán. Theo lãnh đạo công ty, dù thị trường xây dựng còn đang gặp khó khăn nhưng công ty vẫn phải duy trì lĩnh vực xây dựng vì có liên quan trực tiếp đến người lao động có tay nghề cao, đã gắn bó nhiều năm với công ty. Điều đáng nói, tuy thị trường BĐS chưa thật sự sôi động nhưng mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn tiêu thụ được nhờ sản phẩm đã có thương hiệu.

Theo Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, để đứng vững trước cơn bão biến động và cạnh tranh của thị trường, doanh nghiệp cần phải đi vào chuyên nghiệp hóa và phát huy sức mạnh tập thể. Sức mạnh đó phải đồng bộ cả hai mặt là ý chí và hành động mới bảo đảm gặt hái thành công.

Ông Lê Hồng Sanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, năm 2016, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Điều đó đòi hỏi nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng và tính tiện ích của sản phẩm, làm tốt chuỗi cung ứng, dịch vụ hậu mãi để giữ vững thị phần và cạnh tranh. Bên cạnh đó, đòi hỏi chúng ta phải vừa chuyên nghiệp hóa vừa phát huy tốt sức mạnh, trí tuệ tập thể trong kinh doanh và hoạch định chiến lược.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sabeco Miền Đông, nhà phân phối là người hiểu biết và nắm bắt rất tốt nhu cầu thị trường: Trở thành cổ đông không chỉ mang lại lợi ích cho chính nhà phân phối, mà còn góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Thế mạnh của cổ phần hóa là đưa hoạt động của DN vào guồng máy chuyên nghiệp hóa, phát huy tối đa sức mạnh tập thể nhằm nâng cao hiệu qủa sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người lao động.

Ông Lê Hồng Sanh thì cho rằng, cổ phần hóa DN Nhà nước là yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới để điều hành loại hình DN mới. Yêu cầu đó là phải nắm bắt thật sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh để có chiến lược phù hợp trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Muốn vậy, người lãnh đạo ngoài việc bám sát mục tiêu chiến lược cần phải biết khơi dậy lòng đam mê, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong đơn vị.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên