Doanh nghiệp tăng cường hợp tác để tham gia chuỗi cung ứng

Cập nhật: 23-01-2018 | 09:07:34

Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) vừa hợp tác với Tập đoàn Dole Asia trở thành đơn vị độc quyền tại Việt Nam trồng và cung cấp chuối cho Dole Asia (trực thuộc Tập đoàn Dole của Hoa Kỳ) đối với thị trường xuất khẩu. Hợp đồng giữa 2 bên có thời hạn ban đầu là 10 năm.

 Hợp tác để phát triển

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifram, cho biết chuối Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại trên thị trường xuất khẩu đến từ các nước khác như Ecuador, Philippines, Indonesia… Nhưng để tham gia vào chuỗi cung ứng của Dole Asia, công ty phải có sự thay đổi toàn diện, phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học và tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng trọt theo yêu cầu của Dole Asia. Unifram đã có hơn 10 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương, chuyên cung cấp chuối và dưa lưới cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Sản phẩm chuối của Unifram bắt đầu xuất hiện trong các siêu thị tại châu Á. Ảnh: XUÂN VĨ

Theo ông Liêm, việc hợp tác với Dole Asia sẽ giúp cho Unifram có thêm kinh nghiệm và công nghệ để tiếp tục mở rộng mô hình trái cây công nghệ cao. Ông đang kỳ vọng, sắp tới, với hàng ngàn ha bưởi, cam, quýt mà công ty đang có sẽ tiếp tục trở thành mặt hàng trong chuỗi cung ứng của Dole Asia.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành, chia sẻ trong xu thế hội nhập hiện nay, muốn giỏi hơn các doanh nghiệp buộc phải “chơi” với đối tác giỏi hơn mình. Việc hợp tác giữa Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành với Tập đoàn Vingroup phân phối cung ứng sản phẩm gỗ cho thị trường xuất khẩu trị giá hơn 15.000 tỷ đồng trong 5 năm giúp công ty “đứng dậy” sau thời gian dài làm ăn thua lỗ. Ông Tín cho rằng với kinh nghiệm và tiềm lực của Vingroup, Trường Thành hoàn toàn có khả năng có thêm thị phần tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ

Ông Mai Hữu Tín cho biết thêm, ngành gỗ của Việt Nam đang đứng tốp 3 thế giới. Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của các doanh nghiệp gỗ trong nước là doanh nghiệp gỗ Trung Quốc. Tuy nhiên, đồ gỗ của Trung Quốc đang bị áp dụng thuế chống phá giá tại EU và Mỹ, nên các doanh nghiệp của nước này đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam và một số nước châu Á khác. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam yếu thế hơn so với doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc, bởi họ đã tự sản xuất được máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại; trong khi đó đa số doanh nghiệp gỗ của Việt Nam phải mua máy móc với giá đắt đỏ từ EU...

Năm 2017, ngành gỗ đóng góp hơn 7 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo ông Mai Hữu Tín, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các nhà máy sản xuất đồ gỗ của Việt Nam cần được quản trị tốt hơn và Nhà nước cần có các chính sách hiệu quả hơn để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ. Hiện Trường Thành đặt mục tiêu là vươn lên đạt nhóm đầu của châu Á về cả quản trị sản xuất lẫn tích hợp dịch vụ hoàn chỉnh từ tư vấn, thiết kế đến sản xuất và thi công lắp đặt. Tới đây, công ty cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đối với thị trường trong nước.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, hiện công nghệ phụ trợ tại Việt Nam vẫn phát triển quá chậm so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Đối với tỉnh Bình Dương, các ngành xuất khẩu chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ… đang thiếu hụt nguyên phụ liệu trầm trọng. Theo ông Hiển, Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách ưu đãi tốt hơn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Trong tương lai gần, khi Việt Nam mất lợi thế công nhân giá rẻ thì công nghịêp phụ trợ sẽ giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững trên thị trường và sẽ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp “ngán” giá thuê đất cao

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, cho hay không riêng gì ngành gốm, các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất vẫn e ngại khi chi phí thuê đất cao, làm giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Ông Tín chia sẻ, việc mở rộng quy mô sản xuất đã phát sinh thêm chi phí nhân công, thiết bị, máy móc…, nay gánh thêm giá thuê đất khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ, đắn đo… khi quyết định đầu tư mở rộng sản xuất.

 

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên