Doanh nghiệp tham gia FTA - Kỳ 1

Cập nhật: 07-04-2015 | 08:15:02

Kỳ 1: Cơ hội lớn

 Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội giao thương, hợp tác và phát triển cho các doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng đòi hỏi ở các DN không chỉ về năng lực quản lý, tầm nhìn chiến lược mà còn phải đổi mới sản xuất theo hướng “tinh gọn mà hiệu quả” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một sân chơi rộng lớn và bình đẳng.

 

Để vượt qua thách thức trong hội nhập đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các nhà quản trị DN. Trong ảnh: Một góc Nhà máy sản xuất Tôn Đông Á Ảnh: D.CHÍ

Xây dựng thương hiệu

Đây là “mặt trận” đang được các DN trong nước nói chung và nhà sản xuất nói riêng nỗ lực thực hiện nhưng không hề dễ dàng vì hoàn toàn nằm ngoài “quy trình sản xuất hàng hóa” nhưng lại có mối quan hệ hữu cơ với việc tạo dựng hình ảnh, tên tuổi giúp hàng hóa của DN đi xa hoặc đồng hành với một tên tuổi khác để cùng đi vào những thị trường lớn, thị trường mới mang tính toàn cầu. Mỗi DN thường chọn cho mình một hướng đi riêng trong việc xây dựng thương hiệu với sự đầu tư khá lớn về tài chính gắn với những sự kiện được xã hội quan tâm hoặc tạo ra hình ảnh, sự kiện để công chúng biết đến tên tuổi DN, thương hiệu sản phẩm. Cụ thể như sự có mặt của chàng trai không tay chân Nick Vujice tại Việt Nam, công chúng được dịp làm quen với Tôn Hoa Sen. Thông qua chương trình “Chiếc Thìa Vàng”, những người quan tâm đến văn hóa ẩm thực trên mọi miền đất nước được biết thêm tên tuổi mới là Ly’s Horeca của nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng Minh Long I.

Vì sao phải xây dựng thương hiệu và sản phẩm hàng hóa phải có tên tuổi trên thị trường mới có thể hội nhập sâu vào thị trường thế giới? Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I nói: “Gốm sứ Minh Long I được khách hàng yêu chuộng và nổi tiếng tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Trước đây, chúng tôi ít quan tâm đến vấn đề thương hiệu, thị trường vì đã có nhà phân phối, đại diện thương mại phụ trách. Nhưng nay thì khác, nếu ngồi một chỗ chờ khách đến mua hàng là không được mà phải mang thông tin, hàng hóa đến tận nơi để khách hàng lựa chọn, thử, rồi quyết định”.

Bàn về vấn đề xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm để tham gia FTA thành công, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á chia sẻ, một sản phẩm có tên tuổi trước tiên nó phải được chấp nhận tại nơi nó sinh ra và phải hội đủ các tiêu chuẩn ở nơi sản phẩm được nhập khẩu. Không thể có chuyện thương hiệu A nổi tiếng trên thị trường nước ngoài trong khi thị trường trong nước thì không ai biết đến. Còn ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước và các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh đang xúc tiến hình thành cụm công nghiệp gỗ gắn với chỉ dẫn địa lý để khi nói đến Bình Dương khách hàng quốc tế biết ngay đó là trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ của cả nước. Đây là cách tiếp thị và xây dựng thương hiệu hiệu quả, tiết kiệm và mang tính đoàn kết nhất.

Vượt qua thử thách

Ông Huỳnh Công Phát, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (Công ty 3-2) nhấn mạnh, một trong các yếu tố quan trọng giúp công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2014 vừa qua là nhờ sự linh hoạt trong lãnh đạo sản xuất, kinh doanh, uy tín của tổng công ty và thương hiệu của sản phẩm. 3 yếu tố quan trọng này được thể hiện là: Khách hàng nước ngoài trước khi đặt bút ký hợp đồng điều trước tiên là họ xem người lao động của công ty sống và làm việc như thế nào, môi trường làm việc ra sao; sau đó mới nói đến chất lượng sản phẩm. Trước đây, nhiều người hay nói “ai cầm tiền người đó quyết định”, còn nay thì khác. Trên thực tế, ai nắm vững lao động người đó quyết định thắng lợi. Từ lý lẽ đó mà tổng công ty đề ra mục tiêu: người lao động là tài sản đặc biệt quý giá để cùng tập trung phát huy thế mạnh này.

Một yếu tố mang tính quyết định để hội nhập thành công là chất lượng sản phẩm. Thực tế thời gian qua cho thấy, hàng dệt may, thực phẩm do các DN trên địa bàn tỉnh sản xuất xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ phải vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế đến chất lượng sản phẩm. Ông Huỳnh Quang Thanh dẫn chứng, với sản phẩm đồ gỗ nếu nhà sản xuất không kiên trì và quyết tâm thì khó vượt qua các thử thách do khách hàng đặt ra. Ví dụ, để thử độ chịu lực của sản phẩm ghế gỗ, người ta dùng khối thép đặc buông từ trên cao xuống để đo độ cứng của sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không quan tâm theo dõi để thay đổi kết cấu thì khó vượt qua những thử thách thế này. Bên cạnh những thách thức đặt ra, khách hàng cũng hợp tác chuyển giao cho chúng ta nhiều giải pháp để cải tiến sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo lãnh đạo Công ty 3-2, vượt qua được thử thách chúng ta sẽ thấy được cơ hội phía trước. Khi khách hàng đã chọn mình làm đối tác thì bất cứ yêu cầu gì nhằm giúp ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mình đề ra khách hàng đều đồng ý, kể cả ứng vốn trước.

Cần chiến lược đầu tư dài hạn

Khi quyết định hợp tác, đầu tư, các nhà DN đều có mục tiêu và chiến lược cụ thể. Việt Nam là thị trường mới phát triển nên lĩnh vực xây dựng là mảng thị trường nóng bỏng thu hút các nhà đầu tư tham gia, trong đó có ngành thép, sản xuất vật liệu xây dựng… Tại hội thảo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng mới do Sở Xây dựng chủ trì mới đây các đại biểu cho rằng, nhiều nhà sản xuất xi măng, gạch nhẹ và cả ngành thép đã chọn mua “nguyên con” nhà máy sản xuất do Trung Quốc sản xuất với đầy đủ tiêu chuẩn bảo đảm như công nghệ châu Âu, chất lượng loại A, nhưng khi đi vào sản xuất thì phát sinh nhiều vấn đề không thể khắc phục được như không thể kết nối, cải tiến hoặc phát triển theo yêu cầu của thị trường sở tại. Khi xảy ra trục trặc kỹ thuật thì đã hết thời gian bảo hành nên rất khó giải quyết, trong khi yêu cầu của sản xuất, thị trường là phải liên tục.

Hầu hết ý kiến đóng góp tại hội thảo đều khẳng định, không phải sản phẩm nào có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đều không ổn định về chất lượng. Điều quan trọng là sự lựa chọn và chiến lược đầu tư phù hợp. Ví dụ, sản phẩm bảng điện do Đức sản xuất sẽ đắt gấp mấy lần do Trung Quốc sản xuất. Như vậy, chọn sản phẩm của Trung Quốc sẽ tiết kiệm hơn, nhưng phải biết lựa chọn và có chiến lược hợp lý.

Để vượt qua thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các nhà quản trị DN về cả uy tín và năng lực điều hành. Ông Nguyễn Thanh Trung cho rằng, nhà quản trị DN luôn đứng trước 2 đòi hỏi lớn là sản xuất, kinh doanh phải có lãi và lợi ích đó phải phát triển ổn định, bền vững. Muốn đáp ứng đòi hỏi trên buộc DN phải có chiến lược đầu tư ngắn và dài hạn trong điều kiện có rất nhiều cám dỗ từ thị trường bên ngoài. Điều này đòi hỏi năng lực điều hành và cả uy tín của người đứng đầu DN trong việc thiết kế và thực hiện chiến lược.

 Kỳ 2: Doanh nghiệp cần chủ động

 DUY CHÍ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên