Doanh nghiệp tham gia FTA – Kỳ cuối

Cập nhật: 10-04-2015 | 09:29:02

Kỳ cuối: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thành công

Những năm qua, Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp (DN) trên tinh thần “Thành công của DN cũng là thành công của địa phương”. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, cộng đồng DN luôn mong muốn có sự ổn định về chính sách quản lý nhằm giúp họ ổn định đi lên theo hướng bền vững.

 Kinh tế thị trường - lợi thế để phát triển

Ông Phạm Văn Xô, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương chia sẻ, những năm gần đây, uy tín và tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế được trân trọng và nâng lên rất nhiều. Cùng với đó là ngày càng có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận và ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Điều này là thuận lợi rất lớn để nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN nói riêng có điều kiện hội nhập tốt hơn, cũng như được thụ hưởng nhiều hơn những ưu đãi mang lại từ các nỗ lực đàm phán, xúc tiến hội nhập của Chính phủ.

Cảng Bình Dương, cảng sông đầu tiên của tỉnh, góp phần vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN trong tỉnh. Ảnh: D.CHÍ

Cụ thể về những lợi ích mang lại của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.HCM nêu ra: Có rất nhiều thuận lợi cũng như lợi ích mang lại từ quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể như chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O thì Việt Nam đã được 37 quốc gia phát triển trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ xét ưu đãi thuế quan từ 5 - 30% tùy quốc gia và mặt hàng nhập khẩu. Đây là ưu thế cạnh tranh rất lớn cho các DN khi tham gia thị trường thế giới.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Những năm qua, Chính phủ cũng như UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cộng đồng DN. Ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, từng nhiều lần nhấn mạnh: “UBND tỉnh Bình Dương tạo mọi thuận lợi từ hạ tầng kỹ thuật đến chủ trương, chính sách mời gọi các nhà DN đến Bình Dương đầu tư và phát triển. Chúng tôi luôn xem khó khăn của DN cũng là khó khăn của tỉnh để tập trung tháo gỡ, đồng thời xem thành công của DN cũng là thành công của chúng tôi”.

Khẳng định của ông Lê Thanh Cung được thấy rõ thông qua việc cấp phép đầu tư, thẩm định dự án mà các cơ quan có thẩm quyền như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Cục Thuế, Hải quan… không chỉ áp dụng, vận hành theo tiêu chuẩn ISO mà còn có một số ngành đã tiến tới hiện đại hóa, như Hải quan Bình Dương là một điển hình. Đến hết năm 2014, Cục Hải quan Bình Dương đã đưa vào hoạt động máy soi container di động thay cho việc kiểm tra hàng hóa thủ công vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí xếp dỡ của DN; đồng thời vận hành thành công Hệ thống thông quan một cửa quốc gia VNACCS/VCISS với tốc độ thông quan chỉ trung bình 3 giây cho bộ hồ sơ hải quan.

Trước những than phiền của DN về thời gian thông quan đối với Hải quan cả nước, Hải quan Bình Dương là đơn vị đầu tiên của ngành chủ động tổ chức đo thời gian thông quan giải phóng hàng hóa. Cục Hải quan đã xác định được thời gian thông quan của cơ quan hải quan chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng thời gian chung. Cụ thể, thời gian thông quan đối với một lô hàng nhập khẩu như sau: Luồng Đỏ: thời gian nhanh nhất là 30 phút, chậm nhất là 1 giờ 45 phút; Luồng Vàng: nhanh nhất là 1 phút (1 dòng hàng) và chậm nhất 1 giờ 15 phút; Luồng Xanh: 3 giây. So với cả nước thì thời gian của các cơ quan chức năng có liên quan là 95 giờ 50 phút (tương đương 4 ngày), thời gian chuyển cửa khẩu 50 giờ 13 phút (tương đương 2 ngày). Do vậy, nếu tính thời gian trung bình của một lô hàng nhập khẩu tối đa 7 ngày (tương đương 168 giờ) thì thời gian làm thủ tục của Hải quan Bình Dương rất thấp. Với sự nỗ lực phấn đấu đó, Hải quan Bình Dương đã được Tổng cục Hải quan tặng danh hiệu Lá cờ đầu của ngành hải quan Việt Nam.

Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Logistic tỉnh Bình Dương, ông Phạm Văn Xô chia sẻ, vận tải hàng hóa và hậu cần sau cảng góp phần quan trọng vào thắng lợi của DN trong nền kinh tế công nghiệp. Hiện tại, hầu như 100% DN trong nước đã là chủ của các bến bãi, cảng biển và ngược lại, hầu như 100% DN nước ngoài làm chủ thị trường vận tải. “Chúng ta không thể làm cho “cái bánh” lớn lên để được chia phần nhiều hơn mà phải làm sao cho chi phí giảm xuống để DN làm ăn có lãi trên tinh thần “Các bên đều chiến thắng”. Tinh thần này được thế giới đúc kết bằng bài toán: Phải có sự kết hợp giữa vận tải thủy - bộ để hàng hóa càng đến nhanh nơi tiêu thụ với chi phí càng thấp”, ông Xô nói.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương khẳng định, hội nhập góp phần nâng cao sức cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa, DN tham gia thị trường thế giới như được ưu đãi thuế quan, được ưu đãi nhập khẩu so với các nước khác… Nhưng trước các thuận lợi, DN cũng phải cân nhắc để không bị bất ngờ, vì ngoài các ưu đãi trên, các nước sở tại đều có chính sách bảo vệ thị trường của họ như hàng hóa nhập khẩu vượt mức quy định sẽ vướng hàng rào kỹ thuật mà “bán phá giá” là cái bẫy dễ mắc nhất. Dấu hiệu dễ thấy của vấn đề này là sự tăng trưởng bất thường của các DN cùng ngành đồng loạt phát sinh. Phải nắm chắc quy luật và những diễn biến thị trường để không bị khó khăn, bất ngờ.

Bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn không ít khó khăn thách thức mà lãnh đạo các hiệp hội, nhà quản trị DN mong muốn các cấp quản lý nhà nước cần chuẩn bị và sẵn sàng có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước, như tình trạng hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam đua nhau bán nguyên liệu giá rẻ cho các khách hàng nước ngoài gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á nói, hội nhập thì không thể cấm nhưng phải có hàng rào kỹ thuật (thực tế nước nào cũng có). Quan trọng hơn, Nhà nước phải thẩm định kỹ trước khi cấp phép nhằm tránh tình trạng DN lợi dụng chính sách, lợi thế quốc gia để hưởng lợi mà không tham gia sản xuất. 

Theo đại tá Cao Tiến Thuận, Giám đốc ICD Tân cảng Sóng Thần, Bình Dương đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp nhờ hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện cộng với chính sách thu hút đầu tư rất tốt. Tinh thần này cần được tiếp tục phát huy theo hướng nâng cao chất lượng quy hoạch và tái cơ cấu lại hệ thống để tăng sức cạnh tranh. Cụ thể, trên lĩnh vực logistic, cần có một khu hậu cần sau cảng hoặc cả một khu công nghiệp logistic càng tốt để hàng hóa vừa rời khỏi nhà máy thì có thể xuống cảng để lên những con tàu vượt đại dương đến các thị trường rộng lớn một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành là khâu quyết định thắng lợi nên cần có nhà quản lý đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực để đảm nhận trách nhiệm quan trọng này.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên