Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: Chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống

Cập nhật: 04-08-2021 | 08:26:57

 Đến nay, đã có hơn 3.900 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) nhằm duy trì sản xuất, góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các DN cần xây dựng phương án diễn tập trong trường hợp phát hiện F0 để chủ động ứng phó với mọi tình huống.

 Công nhân Công ty TNHH DAFI (TX.Tân Uyên) luôn được nhắc nhở thực hiện an toàn trong sản xuất và sinh hoạt

Lập “lá chắn” trong khu sản xuất

Phương án “3 tại chỗ” hiện được nhiều DN thuộc Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) lựa chọn để duy trì sản xuất. Đây là phương án đòi hỏi DN phải huy động tổng nguồn lực, cả về con người và tài chính để không chỉ duy trì sản xuất mà còn ổn định tâm lý, tư tưởng của công nhân lao động. Ông Lê Xuân Tân, Giám đốc Công ty TNHH Happy Furniture (thành viên BIFA) đã chia sẻ việc công ty “bật” chế độ “3 tại chỗ” với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt theo các lớp, khu sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát. “Chỉ riêng khu vực vệ sinh, chúng tôi xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, bình quân 6 người sử dụng một nhà tắm, không ai được sử dụng lẫn sang khu vực khác. Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, khu nghỉ của công nhân với tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước khi đưa công nhân vào sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” đều test nhanh, có người được test tới 5 lần”, ông Lê Xuân Tân cho biết.

Theo ông Lê Xuân Tân, thực hiện phương án “3 tại chỗ” để phòng dịch Covid-19 là hết sức cần thiết nhưng cần phải xem xét thấu đáo. Nếu không xây dựng được quy trình và tổ chức sản xuất không chặt chẽ, DN thực hiện “3 tại chỗ” sẽ có nguy cơ khiến dịch lây lan nhanh hơn. Ông Tân cho biết bản thân ông và đội ngũ quản lý Happy Furniture phải phân chia theo nhóm để quản lý, phòng trường hợp có người không may dương tính với SARS-CoV-2 còn có đội ngũ tiếp quản.

Nhiều DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã chủ động các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc Công ty An Khang Furniture (thành viên BIFA), cho biết đầu mùa dịch, trong khu vực nhà máy có ca F0, địa phương thực hiện phong tỏa, công ty buộc phải tạm dừng trong giai đoạn đó. Hết phong tỏa, công ty chính thức bước vào sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, biết là sẽ có nhiều khó khăn nhưng quyết tâm thực hiện. Ông Phước cho biết ngoài việc nghiêm ngặt thực hiện test đầu vào, việc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân bảo đảm giãn cách là khâu rất quan trọng. Bộ phận quản lý phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm công nhân tuân thủ các quy định. “An Khang Furniture đã qua gần hai tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến giờ này dây chuyền sản xuất vẫn ổn, công ty định kỳ test sàng lọc cho công nhân tuần một lần. Nếu đợt xét nghiệm tiếp không phát hiện ca nghi nhiễm thì công ty sẽ ở vùng xanh an toàn”, ông Phước nói.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Qua triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”, các DN cũng thấy không hề dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như chiến lược duy trì hệ sinh thái phục vụ sản xuất. Đơn cử như Công ty Cổ phần Lâm Việt, đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ cuối tháng 6-2021, khi có thông tin một số ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn TX.Tân Uyên. Tính đến nay, Lâm Việt đã có hơn 4 tuần thực hiện với hơn 700 người lao động ở lại nhà máy. Để bảo đảm an toàn, Lâm Việt tiến hành test nhanh toàn bộ người lao động, chia nhóm theo khu vực làm việc, mỗi nhóm sẽ do một tiểu đội trưởng quản lý, sắp xếp chia ca ăn và vệ sinh (lệch nhau 1 giờ) để tránh bị tắc nghẽn… Người lao động ở lại công ty được hỗ trợ 4 bữa ăn/ ngày và 500.000 đồng/tháng (ngoài lương).

 Nhiều DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã chủ động kiểm soát dịch bệnh vô cùng nghiêm ngặt, theo các lớp, với những vùng sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát. Nhiều DN đã thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, khu nghỉ của công nhân với tinh thần nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trong khi đó, theo ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc sản xuất Công ty DaFi (TX. Tân Uyên), để bảo đảm sản xuất “3 tại chỗ”, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, trong đó phải chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống dịch có thể phát sinh trong khu vực. Phải tính trước điều đó để có biện pháp siết chặt kỷ cương kỷ luật trong sinh hoạt và tư vấn tâm lý, chuẩn bị tinh thần cho công nhân yên tâm sản xuất.

Trong cuộc trao đổi trực tuyến giữa các DN thành viên BIFA, nhiều DN đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” bày tỏ sự lo lắng khi có các ca F0 tại nơi sản xuất, DN còn lúng túng. Theo ông Lê Phước Vân, chuyên gia về an toàn sản xuất của ngành gỗ, DN cần phân tán rủi ro và chuẩn bị sẵn mọi tình huống... DN chưa có F0 cần phải xây dựng tình huống diễn tập ngay. Trong trường hợp nhà máy phát hiện ca F0 thì người quyết định cao nhất phải bình tĩnh, đưa F0 ra khỏi khu cách ly, phân luồng F1 và F2 rồi thiết lập đường dây với cơ quan y tế gần nhất. Chủ DN cần nói chuyện với cán bộ, công nhân để họ bình tĩnh cùng tham gia xử lý vấn đề.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên