Doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 13-04-2017 | 10:35:12

Trong nhiều sự kiện diễn ra trên cả nước của ngày hôm qua (11-4) thì có 2 sự kiện mà có lẽ được giới doanh nghiệp đặc biệt chú ý, quan tâm. Một là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chọn người tài điều hành doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải chọn người nhà để đột phá trước bối cảnh thế giới đang bước vào “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, tại lễ Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương. Hai là Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội. Cả hai sự kiện dù không “hẹn nhau” nhưng lại “gặp nhau” bởi đó là vấn đề hệ trọng liên quan đến việc đất nước sẽ phát triển hay là tụt hậu.

 “Cách mạng công nghiệp 4.0” hay “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều ở các nước phát triển. Đó là tên gọi để phản ánh làn sóng thay đổi sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ ở trên toàn cầu. Dù tên gọi ở các nước có thể khác nhau nhưng hàm chung là cùng một ý nghĩa về sản xuất tương lai mang thế giới ảo (mạng) và thực (máy móc) đang xích lại gần nhau. Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, thứ nhất là vào cuối thế kỷ 18 khi xuất hiện công nghiệp sản xuất cơ khí sử dụng sức nước và hơi nước; thứ hai là bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 với sản xuất hàng loạt bằng dây chuyền sử dụng điện năng; thứ ba là bắt đầu vào những năm 1970 với các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin có khả năng giám sát và điều chỉnh quy trình sản xuất công nghiệp. Và, hiện nay thế giới đang bắt đầu manh nha với cuộc cách mạng lần thứ 4.

Trước đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, tiến bộ khoa học công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu với cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng về ý tưởng trong phát triển. Cho nên, doanh nghiệp Nhà nước phải đi tiên phong, là yêu cầu đầu tiên để hội nhập quốc tế. Yếu tố này nếu bỏ qua trong mọi vấn đề kinh doanh thì đều thất bại. Doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển, “chứ không ăn xổi ở thì”, nhìn trước mắt mà không nhìn lâu dài. Vì vậy, phải chọn người tài trong quản lý điều hành, tức là đi liền với việc không chọn người nhà, người thân quen trong bộ máy doanh nghiệp Nhà nước.

Với cuộc cách mạng 4.0, theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì nó có cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất cao. Bởi, cách mạng 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ. Trong phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội thì của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP.

Như vậy, thách thức ở đây, nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0 trong cuộc cách mạng này thì con người phải có trí tuệ mới tham gia vào được quá trình sản xuất. Cũng chính vì vậy mà Thủ tướng đã lưu ý các doanh nghiệp phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược, phải năng động, sáng tạo và quyết liệt mới hội nhập sâu rộng với quốc tế thành công.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên