Doanh nghiệp xuất khẩu: Tận dụng tốt cơ hội để tăng trưởng

Cập nhật: 29-10-2019 | 08:15:06

Ghi nhận cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng năm 2019 có nhiều thuận lợi. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, giày dép, gốm sứ, điện tử đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty May mặc Esquel (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An). Ảnh: MY PHAN

Thặng dư thương mại đạt gần 6,4 tỷ USD

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ổn định đến hết năm 2019, trong đó nhiều doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ổn định và dài hạn; lượng đơn hàng xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, 10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 23,312 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 84% kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước đạt 16,916 tỷ USD; thặng dư thương mại ước đạt gần 6,4 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ lực, chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Có 22/23 mặt hàng xuất khẩu (trừ hạt điều) của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó có 3 mặt hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày kim gạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD; 2 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (sắt thép, điện thoại và linh kiện).

Theo Sở Công thương, trong 2 tháng cuối năm 2019, mặc dù kinh tế thế giới vẫn có nhiều biến động, môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố khó lường, trong đó nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại gia tăng, tuy nhiên kinh tế vĩ mô trong nước vẫn phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát, hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và liên khu vực tiếp tục được đẩy mạnh.

Giải quyết hiệu quả các thách thức

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết dù đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường song điều đáng mừng là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên đều khả quan hơn so với năm trước.

Trong thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn, nên ngay từ bây giờ các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ để hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước đang mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng, phát huy những lợi thế sân nhà...

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho thấy các doanh nghiệp thành viên có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến hết năm, lượng đơn hàng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ngành dệt may vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, như biến động tỷ giá giữa các đồng tiền liên tục thay đổi dẫn đến khách hàng chỉ ký kết các đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn, số lượng hạn chế để đề phòng việc lỗ do tỷ giá; nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế, hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam…

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, sản phẩm gỗ chế biến của Bình Dương ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng đối với khách hàng quốc tế. Đồng thời, nhờ tác động của các hiệp định thương mại tự do nên xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ liên tục tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là đang đối diện với gian lận thương mại - đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để đón nhận những đơn hàng giá trị cao. Ngành gỗ Bình Dương cũng cần một chiến lược dài hơi, khi mà cơ hội thị trường đang rộng mở.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho rằng hiện sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải có được sản phẩm tốt để cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Theo bà Vân, thách thức đối với Việt Nam hiện nay chính là việc nâng cao tay nghề cho người lao động, chi phí trong sản xuất của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, phải sắp xếp lại hoạt động để kiểm soát chi phí một cách tốt nhất; cần xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh trong tương lai để tập trung cải cách. Đối với cơ quan chức năng, địa phương, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, cải thiện nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp...

Hiện các ngành chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường hợp tác để đào tạo lao động có trình độ cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong tình hình mới. Tỉnh cũng đang tiếp tục cải thiện, nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics để giảm chi phí đầu tư và chi phí lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

 Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới ngành sẽ thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công thương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế tỉnh nhà.

 MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên