Doanh nhân phấn khích với phong trào khởi nghiệp

Cập nhật: 12-07-2016 | 07:50:27

Chủ trì hội nghị đối thoại và gặp gỡ doanh nghiệp (DN) tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ các DN, xóa bỏ những rào cản, trở ngại tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, DN để cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, DN trên địa bàn.

 Thủ tướng cũng chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trong đó có các giấy phép con; nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định của pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền. Cụ thể tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã thông qua gần 50 nghị định mới về điều kiện kinh doanh để xóa bỏ 3.000 “giấy phép con” ngay từ thời điểm 1-7-2016.

Thực tế cho thấy thời gian qua, DN, nhất là DN vừa và nhỏ đã gặp phải nhiều rào cản. Phát biểu tại hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I (Bình Dương), cho rằng không chỉ sợ kiểm tra, các DN nhỏ Việt Nam còn sợ DN Nhà nước, DN có vốn nước ngoài vì cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí giữa các DN nhỏ cũng đang sợ lẫn nhau. Nỗi sợ này ám ảnh đến mức dù có thể tích lũy phát triển, phát triển cũng không dám bung hết mình bởi càng lớn càng khổ. Một chuyên gia kinh tế đã phát biểu, bản thân DN Việt Nam không tin nhau, không kết nối được với nhau, trong khi khả năng, trình độ để bắt kịp hội nhập quốc tế lại hạn chế.

Với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải coi trọng thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, chiến lược quốc gia về khởi nghiệp, thành lập các DN trẻ có chất lượng, phát triển bền vững để hội nhập kinh tế thành công là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra. Thế nhưng, cần làm thế nào để khởi nghiệp thực sự hiệu quả, không mang tính hô hào? Đây là câu hỏi cần được trả lời ngay từ giai đoạn đầu của phong trào khởi nghiệp.

Vấn đề đặt ra là tinh thần đó cần phải được thấm vào tư duy điều hành của tất cả các bộ, ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức là luôn ý thức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN. Vì vậy hơn lúc nào hết, kỷ luật thực thi trong bộ máy hành chính cần được tăng cường để tạo dựng niềm tin cho doanh nhân và DN, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống. Có như vậy, tinh thần khởi nghiệp mới được thổi bùng lên, thực sự phấn khích doanh nhân, DN.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên