Độc đáo nghề điêu khắc gỗ ở Bình Dương

Cập nhật: 08-10-2014 | 09:53:36

Khi nhắc đến Bình Dương, người ta nhớ ngay tới một địa phương giàu truyền thống cách mạng với Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Thuận An Hòa… nổi tiếng trong các cuộc kháng chiến cứu nước, một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp với hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh. Trong tổng thể phát triển kinh tế ấy có sự đóng góp một phần khá quan trọng của các ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề điêu khắc gỗ… Họ làm nghề để giữ nghề, mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày và cũng là để làm giàu, quảng bá cho sản phẩm, văn hóa của con người và mảnh đất Bình Dương.

Tượng Đức Phật (bên trái), tác phẩm điêu khắc gỗ của Nghệ nhân Châu Văn Trí và Bình chạm rồng phụng (bên phải) của cơ sở chạm mộc Năm Uông (phường An Thạnh, TX.Thuận An)

Nghề điêu khắc gỗ xuất phát từ nghề mộc cổ truyền. Nghề mộc ở vùng đất Thủ một thời nổi danh cả phía Nam, vì ở tỉnh Thủ Dầu Một nên dân gian quen ca ngợi là “thợ Thủ” tay nghề cao. Người Pháp ngay từ những năm đầu đã mở trường chuyên đồ mộc (gọi trường Bá Nghệ). Nhờ trường mộc này mà tay nghề của thợ Thủ được hiện đại hóa. Theo “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức và các tư liệu địa chí các tỉnh miền Đông Nam bộ xưa, cư dân thuộc vùng đất mới chuyên nghề đốn gỗ, khai khẩn đất đai để làm ruộng, hình thành nên hai nhóm nghề chính phổ biến trong nhóm cư dân đầu tiên trên vùng đất cổ: nghề làm gỗ và nghề làm ruộng. Với nghề đốn gỗ - Một trong hai nghề chính của cư dân xưa, ta thấy trên vùng đất cũ, rừng là tài nguyên chính tạo nên nguồn lợi lớn. Ngay từ khi đặt chân đến vùng đất này, nghề “Phá sơn lâm”, chặt cây, xẻ gỗ để khẩn hoang, làm ruộng đã hình thành lớp thợ đầu tiên từ đầu thế kỷ XVI, XVII. Họ đã biến gỗ thành nhà, xây dựng các công trình dân dụng đầu tiên, tạo dấu ấn nghề nghiệp trong nếp sinh hoạt hàng ngày. Do nằm trong khu vực Đông Nam bộ với nguồn tài nguyên rừng tương đối phong phú với nhiều loại gỗ quý, dồi dào: sao, gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, dầu và nhiều dạng gỗ quý hiếm khác, cư dân xứ Bình An xưa đã tìm cách sử dụng, trang trí, tạo dáng nghệ thuật cung cấp không chỉ cho địa phương mà còn cho các vùng trong cả nước. Nghề mộc, cưa xẻ, đóng mới, chạm trổ, điêu khắc xuất hiện đầu tiên với các hình thức đóng thuyền, đẽo cột, làm hòm xiểng, bàn ghế, vật dụng… từ đó đã hình thành nên các làng nghề điêu khắc nổi tiếng của Bình Dương. Với lợi thế thuận tiện trong giao thông đường thủy Bình Dương đã trở thành “trạm trung chuyển” các sản phẩm gỗ - gỗ cây, gỗ xẻ cho toàn vùng. Nghề điêu khắc gỗ có những xóm chuyên chạm khắc trang trí trong các công trình kiến trúc đình, chùa, nhà cổ, các sản phẩm mỹ thuật như tủ thờ, tranh tượng, bàn ghế… tập trung xưa hơn cả là các xóm điêu khắc thuộc vùng An Thạnh, Phú Thọ, Lái Thiêu… mà ngày nay một số tác phẩm điêu khắc gỗ vẫn còn bảo lưu trong các đình như đình, chùa, nhà dân.

Hiện nay, nghề điêu khắc gỗ mỹ thuật ở Bình Dương cung cấp các sản phẩm chạm gỗ là những tượng tròn và kích thước nhỏ, một số được làm bằng gỗ quý như mun, cẩm lai, gõ, trắc… mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ khá đa dạng và phong phú do các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu các phong cách cổ như các tượng Phật, tượng Di Lặc, mục đồng, tiều phu, ngư phủ, chim ưng, sư tử hí cầu… Một số mẫu mã bắt chước theo các tượng cổ châu Âu như các tượng khỏa thân, vệ nữ… và cả những mẫu mã do người đặt hàng từ nước ngoài yêu cầu. Đồ gỗ gia dụng của vùng đất này từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến là do kiểu dáng đẹp, nhưng quan trọng hơn là chất lượng cao nhờ có nguồn gỗ tốt và được làm nguyên khối, không ghép, pha gỗ tạp, tháo lắp thuận tiện. Thợ đồ gỗ Bình Dương biết chạm trổ, khắc họa hoa văn dân dã như tùng, bách, các loại hoa như: cúc, mẫu đơn… Điều đó cho thấy bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc nơi đây đã làm rạng danh cho nghề điêu khắc thủ công truyền thống của Bình Dương. Đây chính là vùng đất hứa cho nghề thợ mộc, là nơi tập trung các lớp thợ có tay nghề cao từ miền Bắc, Trung di cư vào và chính họ đã mang theo kỹ thuật khảm xà cừ trên tủ thờ, ghế tựa, tràng kỷ, hương án, hoành phi, câu đối… trở thành những sản phẩm tiêu biểu của vùng đất này mà không phải nơi nào cũng có được.

Sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ thuật Bình Dương cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là các hàng mỹ nghệ do du khách mua làm kỷ niệm, bày bán trong các khách sạn, tụ điểm văn hóa, du lịch. Một số xuất khẩu sang các nước. Đây là những sản phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế cao, được các thị trường ưa chuộng nhưng phần lớn do các cơ sở tư nhân sản xuất, nhiều gia đình có hai đời hoặc hơn làm nghề chạm khắc gỗ với quy mô nhỏ bé, có một đến hai nghệ nhân và vài thợ học việc... nên còn nhiều hạn chế trong đáp ứng các đơn hàng của thị trường. Để có thể phát triển mạnh hơn, cần sự quy hoạch, quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, ngành liên quan để ngành điêu khắc gỗ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn và phát triển một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta và của người dân Bình Dương, góp phần sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa và tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn.

HOÀNG LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên