Độc đáo nghi lễ vòng đời của người Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo

Cập nhật: 29-03-2014 | 00:00:00

Một ngôi nhà của người Khmer xã An Bình

Tục “cúng mụ” cho trẻ sơ sinh

Trong bất cứ dân tộc nào cũng đều có những kiêng cữ trong mang thai và sinh đẻ. Mục đích của sự kiêng cữ và những điều cấm kỵ cũng để đạt mục đích cuối cùng là khi sinh nở được mẹ tròn con vuông, đứa trẻ được khỏe mạnh. Người phụ nữ Khmer lúc mang thai khi ăn phải ngồi yên một chỗ; không được ngó đám ma và không tự hái chuối trên cây để ăn mà chỉ được ăn khi chuối đã được hái xuống. Theo quan niệm của người Khmer, nếu người phụ nữ khi mang thai mà phạm phải một trong những kiêng kỵ trên, đứa trẻ khi sinh ra sẽ bị khóc dạ đề (khóc vào ban đêm trong vòng 100 ngày). Phụ nữ mang thai cũng không được bước qua dây cột trâu, nếu không bị chửa trâu (12 tháng mới sinh) và khi ăn xong phải rửa chén ngay, không được ngâm trong nước, nếu không con sau này sẽ bị lở loét.

Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, điều kiện cơ sở y tế chưa có, người Khmer An Bình sinh con ngoài chòi và mời bà mụ tới đỡ đẻ. Chòi thường được dựng ngoài vườn và mỗi lần sinh sẽ là một lần dựng chòi, sau khi đứa trẻ được 3 ngày sẽ làm lễ cúng mụ, rước cả mẹ con vào trong nhà thì sẽ phá chòi đi, nếu lần sau có sinh nở nữa thì sẽ dựng một chòi mới. Sau khi sinh xong, nhau, rốn của đứa trẻ sẽ được chôn dưới gốc cây chuối hột vì họ tin rằng làm như vậy đứa trẻ sẽ được mát mẻ, khỏe mạnh.

Theo tục lệ truyền thống, người Khmer An Bình không tổ chức cúng đầy tháng, đầy năm, sinh nhật và cả mừng thọ. Chỉ có một lễ cúng diễn ra vào ngày thứ 3 sau khi đứa trẻ ra đời đó là lễ cúng mụ. Cúng mụ là nghi lễ trình với ông bà tổ tiên thành viên mới trong gia đình và cũng là để trả ơn bà mụ đã đỡ cho mẹ tròn, con vuông. Lễ vật trong lễ cúng mụ, gồm: 4 chén cơm, 1 chén canh, 1 chén nước mắm, 4 đôi đũa, 1 con gà luộc, 1 chai rượu, 1 chiếc ly uống rượu, một chiếc đĩa phủ khăn trắng trên đó đặt gạo, trầu, cau và một sợi chỉ màu trắng, sau khi làm lễ xong sẽ cột sợi chỉ đó vào cổ tay của hai mẹ con để cầu mong hai mẹ con được mạnh khỏe. Sau khi cúng xong, một nửa lễ vật sẽ được mang biếu cho bà mụ.

Dấu ấn mẫu hệ trong tục lệ cưới xin

Đám cưới của người Khmer An Bình chỉ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12 âm lịch. Bởi đối với cư dân nông nghiệp, đây là khoảng thời gian nông nhàn và quan trọng hơn đây là khoảng thời gian họ đã thu hoạch mùa vụ, khi thóc lúa đã đầy bồ nên đây là thời gian thích hợp để tính chuyện cưới hỏi. Theo truyền thống, người Khmer An Bình theo chế độ mẫu hệ, lễ cưới được tổ chức bên nhà gái và nhà gái phải chịu mọi phí tổn cho lễ cưới. Tuy nhiên, trong lễ dạm ngõ thì nhà trai phải mang lễ vật sang nhà gái. Với người Khmer ở những vùng khác, đám cưới có sự tham dự của nhà sư, với người Khmer An Bình, người chủ làng sẽ đứng ra điều hành lễ cưới. Lễ vật bắt buộc mà chàng trai phải mang sang nhà gái là chiếc nồi đồng nấu được chừng 2 lon gạo và chiếc nồi đồng này sẽ được cha mẹ vợ sử dụng. Đám cưới của người Khmer An Bình có sự tham dự của cả làng. Trước ngày cưới, cha và mẹ cô dâu, chú rể sẽ đi mời mọi người trong làng bằng rượu, ai đã uống rượu mời đều phải đi. Khi tới đám cưới, khách cột một sợi chỉ trắng lên cổ tay cô dâu, chú rể, rắc một ít gạo lên đầu hai người rồi hú lên một tiếng để chúc phúc cho đôi trẻ. Sau khi cưới, chàng trai sẽ cư trú bên nhà vợ, thời gian ở rể lâu hay mau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của hai vợ chồng trẻ nhưng thường là 3 năm sau ngày cưới.

Tục “xin đất” cho người chết

Về ma chay, người Khmer An Bình theo tập tục thổ táng. Khi trong gia đình có người chết, người thân trong gia đình lấy hai con dao cùn hoặc sứt (dao bỏ đi) gõ vào nhau liên hồi để báo hiệu cho người làng biết. Tki là người đứng ra tổ chức, lo liệu mọi việc trong đám tang thay cho chủ nhà. Ông hướng dẫn người chặt tre, đóng quan tài, hướng dẫn người lấy rượu rửa xác chết, bó xác chết đưa vào quan tài.

Người Khmer An Bình có tục chia của cho người chết, đồ dùng vật dụng trong gia đình, trừ đồ sắt đều cho vào trong quan tài để chôn theo người chết. Qua ngày thứ 3 sẽ đưa người chết đi chôn cất. Nơi chôn người chết, người nhà phải biện lễ xin thần cai quản khu vực đó xem có đồng ý hay không rồi mới được chôn. Lễ vật gồm gà, xôi, trầu, cau, rượu và một quả trứng gà sống. Sau khi khấn vái, trình bày lý do, người khấn ném quả trứng gà sống qua đầu, nếu trứng bể nghĩa là thần đất nơi đó đồng ý, có thể chôn; nếu trứng không bể nghĩa là thần không đồng ý, phải đi xin nơi khác.

Trước đây, cộng đồng trong làng sẽ khiêng quan tài, đưa người quá cố về với đất. Con cháu của người chết nằm dài dưới đất, người nằm ngang cắt người nằm dọc làm thành chiếc cầu tiễn đưa người thân và những người khiêng quan tài sẽ bước qua “chiếc cầu” con cháu đó. Ngày nay, tuy đã có xe đưa tang nhưng tập tục bắc cầu vẫn còn và cầu người đó bắc từ nhà người mất tới xe nhà táng.

Sau khi chôn xong, ông Tki bắn một mũi tên lên không trung, nếu mũi tên bay đi thật xa, mạnh mẽ nghĩa là linh hồn người chết thanh thản, siêu thoát, không vướng bận và không quấy quả con cháu; ngược lại, nếu mũi tên không bay lên được hoặc rơi gần thì phải làm lễ để linh hồn người chết được siêu thoát. Trước đây, người Khmer An Bình quan niệm chết là hết, chôn cất là xong nên họ không có các lễ sau khi chôn cất như lễ mở cửa mả, các lễ cúng 49, 100 ngày như người Kinh. Người chết cũng không cúng giỗ hàng năm vào ngày mất mà được tưởng nhớ, được cúng chung trong ngày Tết Dolta diễn ra vào 3 ngày từ 15-8 đến 17-8 hàng năm.

Ngày nay, dưới tác động của đời sống và sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer và người Kinh trong quá trình cùng sinh sống, nhiều nghi lễ, tục lệ truyền thống của người Khmer hiện nay không còn nữa. Hy vọng trong thời gian tới, với việc động viên, tuyên truyền, người Khmer An Bình sẽ có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình.

• ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên