Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Cập nhật: 20-01-2014 | 00:00:00

Để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/ TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động (CTHĐ) (dự thảo) thực hiện nghị quyết trên. Nhiều nội dung quan trọng đã được đề cập trong CTHĐ của Tỉnh ủy.

 Chất lượng giáo dục-đào tạo không ngừng nâng cao

Dự thảo CTHĐ của Tỉnh ủy nêu rõ, từ khi thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 24- 12-1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) trong thời kỳ CNH, HĐH đến nay, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và sự góp sức của toàn xã hội, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quy mô trường lớp từ mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, chuyên nghiệp, dạy nghề đều phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… được đầu tư bảo đảm theo chuẩn quốc gia. Hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tạo nguồn đã đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh sẽ có những đổi mới căn bản, toàn diện

Hiện toàn tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS; phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và đang từng bước hoàn thành phổ cập giáo dục trung học; xây dựng đề án xã hội học tập. Song song đó, trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đã nâng cao đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực; chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý được củng cố và nâng chất. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục đang được tỉnh chú trọng đẩy mạnh, số trường ngoài công lập tăng nhanh. Nhiều hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo đến trường được các tổ chức, cá nhân và xã hội quan tâm, nhờ vậy tỷ lệ học sinh nghỉ - bỏ học giảm hẳn.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Mặc dù đạt được những thành quả quan trọng trong công tác GD-ĐT thời gian qua nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: gia tăng học sinh cơ học quá nhanh, đội ngũ quản lý giáo dục một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, một số nơi sử dụng trang thiết bị dạy học không hiệu quả, chất lượng GD-ĐT ở cấp trung học có chuyển biến mạnh nhưng ở cấp THCS chưa vững chắc… đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng GD-ĐT chung của tỉnh.

Theo CTHĐ của Tỉnh ủy, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đến năm 2020 bao gồm: tập trung đầu tư các điều kiện bảo đảm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT đáp ứng mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc; sống tốt, làm việc hiệu quả, năng suất cao; có hiểu biết và ý thức pháp luật. Thực hiện đồng bộ các yếu tố: đổi mới về quản lý giáo dục, xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó yếu tố đội ngũ là quyết định.

Thực hiện nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, HĐH, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ CNH, HĐH. Phấn đấu đến năm 2020 giáo dục Bình Dương ngang bằng với các thành phố lớn trong cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, CTHĐ của Tỉnh ủy đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với GD-ĐT; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT bảo đảm trung thực, khách quan; điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới GD-ĐT của tỉnh theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT…

Một số mục tiêu phấn đấu

Giáo dục mầm non: Giữ chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Phấn đấu sau 2015 thực hiện phổ cập trẻ mầm non 3, 4 tuổi.

Giáo dục phổ thông: Tập trung xây dựng 80 - 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020; phấn đấu đạt phổ cập bậc trung học theo tiêu chí của tỉnh vào năm 2015; đến năm 2020 học sinh tốt nghiệp bậc THPT có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp.

Giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2020 đạt từ 25 - 30% học sinh sau tốt nghiệp cơ sở vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Giáo dục đại học: Phấn đấu tỷ lệ sinh viên đại học vào năm 2020 đạt 350 - 400 sinh viên/1 vạn dân.

 

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X