Đổi mới đào tạo nghề

Cập nhật: 29-12-2016 | 08:43:14

Giai đoạn 2011-2015, Bình Dương có 64 trường nghề, cơ sở dạy nghề (CSDN), tổng số cán bộ, giáo viên là 1.233 người. Hàng năm, các CSDN cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 lao động. Đạt kết quả trên, các CSDN đã đổi mới đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất…

Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Đồng An đầu tư nhiều thiết bị phục vụ giảng dạy Ảnh: T.LÝ

Đổi mới nội dung, hình thức

Những năm qua, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đổi mới, quy mô dạy nghề được mở rộng. Các trường nghề ở Bình Dương được xây mới khá khang trang bảo đảm cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của học sinh, sinh viên trong nhà trường và được tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí của trường.

Đơn cử, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Đồng An (TX.Dĩ An) đã đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và thực hành trên 200 tỷ đồng. Riêng cuối năm 2015, trường đã đầu tư giai đoạn 2 bằng Dự án “Nâng cao kỹ năng nghề” với tổng vốn đầu tư 149 tỷ đồng, trong đó đầu tư mua sắm trang thiết bị giảng dạy và thực hành 61 tỷ đồng. Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (TX. Thuận An), năm 2011 được phân bổ 9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, trang thiết bị dạy và học. Đến tháng 11-2011, trường hoàn tất danh mục mua sắm thiết bị theo Dự án “Đổi mới phát triển dạy nghề”…

Được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, việc thu hút học viên đến với trường nghề, CSDN luôn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm. Do đó, các trường đã thay đổi hình thức đào tạo, bổ sung các nghề thiết thực, phù hợp với xã hội. Điển hình trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương (TX. Bến Cát), ngoài duy trì những ngành đào tạo truyền thống của trường là quản lý đất đai, chăn nuôi thú y, trồng trọt - bảo vệ thực vật; nhà trường còn đào tạo những ngành xã hội đang cần như: Quản lý tài nguyên môi trường, hệ thống thông tin văn phòng, tin học ứng dụng, kế toán DN, tiếng Anh. Để học sinh khi ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc của đơn vị, DN, nhà trường luôn chú trọng đến chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với thực hành, thực tập.

Theo ông Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương, trường phối hợp với các DN, công ty xây dựng chương trình thực hành, thực tập, thời lượng tiết thực hành chiếm trên 60%. Phương châm dạy thực hành của giáo viên là cầm tay chỉ việc. Hàng năm, đội ngũ giáo viên thực hành được tạo điều kiện làm việc với các DN, giúp người thầy nâng cao tay nghề, đáp ứng tốt việc giảng dạy thực hành tại trường.

Liên kết đào tạo

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho DN cũng là cách làm hay của các trường nghề. Từ mô hình liên kết đào tạo, học viên (HV) ra trường có việc làm ngay nên họ yên tâm chọn các CSDN, trường nghề. Điển hình như trường Trung cấp Nghề Việt - Hàn (TP.Thủ Dầu Một), theo thầy Lâm Bá Vinh, Phó Hiệu trưởng trường, đến nay nhà trường đã liên kết được 10 DN để tạo việc làm cho HV. Mỗi đợt tốt nghiệp khóa học nghề, trường đều mời DN tham dự và tuyển dụng tại chỗ. Nhiều em đã có việc làm ngay, mức lương ổn định. Đó là cách tạo tên tuổi, uy tín để trường tiếp tục tuyển sinh vào những năm sau.

Điểm mạnh ở trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore là nhà trường thực hiện tốt liên kết đào tạo với các DN, tạo điều kiện để học viên thực tập tại các DN để làm quen với máy móc, thiết bị. Sau khi ra trường học viên đủ tự tin trong công việc. Ngoài những học viên được DN giữ lại trong quá trình thực tập, ngày tốt nghiệp nhà trường còn mời DN đến tuyển dụng lao động. Kết quả, sau nhiều năm, học viên của trường đã được DN tuyển dụng với mức lương cao. Thầy Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore nhận định: “Việc liên kết với các DN mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, giúp lao động an tâm khi tham gia học tập vì được bảo đảm giải quyết việc làm. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay, đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong bối cảnh cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang đối mặt với thách thức về sự mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề”.

Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đơn vị phụ trách trường, CSDN), cho biết mối liên kết này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Các CSDN được nâng cao về chất lượng đào tạo nhờ có sự điều chỉnh chương trình phù hợp, tăng cường thực hành trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, công tác kiểm định chất lượng đầu ra chính xác và khách quan hơn nhờ sự tham gia của DN, đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được nâng cao năng lực nhờ được tiếp cận với máy móc thiết bị, công nghệ mới... Đối với DN, liên kết với các CSDN một mặt giúp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác có thể cắt giảm phần chi phí đào tạo lại cho người lao động, từ đó làm tăng lợi ích tài chính của DN.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên