Đổi mới, phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 18-05-2017 | 16:52:26

Trong xu thế hội nhập hiện nay thì khoa học và công nghệ (KHCN) là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua ngành KHCN của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, dần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Đưa tiến bộ KHCN vào các lĩnh vực

Theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ KHCN trên nhiều lĩnh vực của Bình Dương hiện vẫn còn hạn chế, triển khai chưa đồng bộ. Tuy nhiên, việc đóng góp của KHCN (qua chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp - TFP) vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh hàng năm luôn tăng. Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số TFP năm 2010 của tỉnh là 15,65%, đến năm 2012 đạt 29,9% và năm 2016 đạt 33,7%.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, mặc dù trình độ phát triển KHCN của tỉnh chưa mạnh so với một số tỉnh, thành khác nhưng ngành KHCN cũng đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Cùng với việc đóng góp của các nguồn lực vào GDP của tỉnh như đóng góp vốn, đóng góp lao động thì đóng góp TFP không hề nhỏ, bình quân giai đoạn 2010-2016 là 28,11%. Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đưa ứng dụng, tiến bộ KHCN vào sản xuất, tỉnh cũng đẩy mạnh đựa KHCN vào các lĩnh nông nghiệp, thông tin - truyền thông, y tế - chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải.

Với việc CGCN đã từng bước góp phần phát triển KHCN của các DN tại Bình Dương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Yazaki EDS Việt Nam (TX.Dĩ An) Ảnh: KHÁNH ĐĂNG

Trong lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe, tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, khám chữa bệnh, phòng bệnh, đồng thời tăng cường năng lực phân tích, kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế). Các bệnh viện tuyến tỉnh và cơ sở y tế tuyến huyện được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; đồng thời áp dụng thành công nhiều phương pháp điều trị mới, kỹ thuật cao như đặt stent mạch vành, thay khớp háng, chụp mạch máu xóa nền…

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, tỉnh đã ký kết với Tập đoàn Viễn thông Việt Nam để triển khai các hạng mục, dự án theo đề án đã được phê duyệt như quy hoạch hệ thống hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, xây dựng kiến trúc khung công nghệ về công nghệ thông tin và truyền thông, khung giải pháp đô thị thông minh…

Hỗ trợ DN phát triển KHCN

Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất sẽ giúp DN nâng cao năng suất, tạo được sự cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã triển khai các chương trình, đề án chuyển giao công nghệ (CGCN), hỗ trợ hoạt động KHCN, giúp các DN có điều kiện để nghiên cứu, áp dụng KHCN vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Cường cho biết, qua Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011- 2015, tỉnh đã hỗ trợ một số DN tiếp nhận CGCN từ các nhà khoa học, viện, trường trong và ngoài tỉnh với 18 nhiệm vụ KHCN, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,4 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhiệm vụ hỗ trợ DN phát huy hiệu quả như: Xây dựng mô hình trình diễn lò gas nung gốm sứ cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; ứng dụng năng lượng mặt trời trong công nghệ sấy gỗ...

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho việc CGCN của các DN, Sở KHCN đã thực hiện nhiệm vụ xác nhận đăng ký hợp đồng CGCN theo trình tự, thủ tục do Bộ KHCN hướng dẫn. Từ năm 2005 đến tháng 4-2017, sở đã xác nhận 23 hợp đồng CGCN từ nước ngoài và 1 hợp đồng CGCN trong nước; tổng giá trị hợp đồng đăng ký là 40 triệu USD và 389,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở KHCN cho biết thêm, nhằm tạo điều kiện cho DN đầu tư, phát triển KHCN, tỉnh còn triển khai chính sách hỗ trợ việc cấp phát kinh phí nhiệm vụ KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN tỉnh, có các chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN theo quy định đối với các DN KHCN và tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận với những chương trình KHCN quốc gia với mức hỗ trợ kinh phí từ 30%, 50% và 100% tùy theo đề tài, dự án và hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường.

 KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên