Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng

Cập nhật: 17-11-2020 | 09:07:23

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực khoa học công nghệ..., đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh khi góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Góp ý vào các dự thảo văn kiện, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Các đại biểu thống nhất với chủ đề, phương châm đại hội và các nhận định, đánh giá của Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội tới.

Cần coi đổi mới sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) bày tỏ sự nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025 – 2030 tầm nhìn đến 2045 để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh tại dự thảo Báo cáo chính trị. So với dự thảo lấy ý kiến tại đại hội các cấp, mục tiêu phát triển của đất nước được chỉnh lý cô đọng, dứt khoát hơn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin về tương lai của đất nước, của dân tộc.

 Với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, qua nghiên cứu văn kiện, đại biểu nhận thấy sẽ có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường 25 năm tới. Với bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững thì yếu tố then chốt phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, cần coi đổi mới sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới. Điều này đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận mô hình, cách làm đột phá để đem lại hiệu quả. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

Đại biểu chỉ ra trong dự thảo Báo cáo chính trị có 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” trên nhiều phương diện khác nhau. Đồng thời phân tích, tại nội dung của 3 đột phá chiến lược thì đổi mới sáng tạo được nêu trong đột phá chiến lược thứ 2 về nguồn nhân lực. Đại biểu cho rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế. Vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm trên mọi lĩnh vực mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, hệ thống pháp luật, là bệ đỡ, bệ phóng cho ý tưởng sản xuất kinh doanh.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: KT

Về 3 đột phá chiến lược, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ quan tâm tới đột phá về thể chế. Theo đại biểu, phải thay đổi ở tư duy, cách làm về thể chế. Đề cập đến công tác làm luật, đại biểu nói: “Chúng ta đã ban hành nhiều luật sau khi có Hiến pháp, nhưng tính ổn định của luật pháp chưa tốt, thường xuyên phải sửa đổi; mặt khác các luật chồng chéo, dẫn đến phải sửa nhiều luật...”. Từ đó,đại biểu đề nghị phải thay đổi, hình thành các Ban soạn thảo luật, tăng đại biểu chuyên trách, thu hút các chuyên gia....

“Nếu chúng ta giải quyết được bài toán thể chế và luật pháp thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn. Dự thảo báo cáo chính trị cần nhấn mạnh lại đột phá về tư duy thể chế” - đại biểu nhấn mạnh.

Đối với đột phá về hạ tầng, đại biểu đề nghị cần phải tập trung đến những khu vực trọng điểm để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế.

Về đột phá nguồn nhân lực, đại biểu đề nghị cần giải pháp lực lượng lao động đang học tập ở nước ngoài về nước; có cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài trong doanh nghiệp, trong bộ máy quản lý nhà nước...

Bổ sung 2 bài học hết sức có giá trị

Thảo luận tại tổ, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ rất tâm đắc khi dự thảo văn kiện dùng từ ngữ rất là giản dị và sâu sắc. “Từng từ từng từ được đầu tư rất kỹ, được nghiên cứu và rất giản dị tới mức là một người dân bình thường cũng có thể hiểu, không quá cao siêu nhưng đặt ra những vấn đề hết sức cốt lõi trong công tác xây dựng đảng” – đại biểu nói.

Về những điểm mới tại dự thảo văn kiện, đại biểu quan tâm hai vấn đề. Thứ nhất, dự thảo văn kiện đưa nội dung xây dựng chính đốn đảng và hệ thống chính trị phải trong sạch vững mạnh. Thứ hai là phương hướng nhiệm kỳ tới đề cập đến cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám chịu, trách nhiệm giáp đột phá vì lợi ích chung đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đánh giá đây là một vấn đề sáng suốt, đại biểu phát biểu: “Tôi cho đó là một điểm mà trong nhiệm kỳ qua đảng cũng nhìn thấy rõ những cơ chế vẫn còn yếu, vẫn còn thiếu của mình khi bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm”.

Quan tâm dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình đề nghị bổ sung hai bài học hết sức có giá trị, ý nghĩa. Đó là, tiếp tục phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” - một câu từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta.

“Bài học đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi trong phát triển kinh tế xã hội” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị rút ra bài học mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, để tranh thủ thu hút nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý nhằm tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo đà phát triển của doanh nghiệp. Thực tế nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Về tiêu phấn đấu đến năm 2030 và năm 2045, đại biểu tán thành với phương án “Đến năm 2030, trở thành nước Công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”. Cơ sở để lựa chọn phương án này là tiền đề 10 năm qua Việt Nam đã bứt phá, phát triển, tạo thời cơ, thuận lợi trong giai đoạn mới, để vươn lên tốp trên các nước có thu nhập trung bình cao, có cơ sở, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung một số nội dung sau: cần xác định lĩnh vực công nghiệp là mục tiêu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung đánh giá và đề ra giải pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình dự án.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị dự thảo báo cáo cần bổ sung phương án, giải pháp quy hoạch, xét duyệt các dự án đầu tư một cách chu đáo, chặt chẽ, không dàn trải phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Theo dangcongsan.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên