Đội mũ bảo hiểm trẻ em: Người thực hiện, kẻ thờ ơ

Cập nhật: 27-12-2013 | 00:00:00

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở trẻ em chính do sự thờ ơ, bất cẩn, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lớn khi tham gia giao thông. Việc không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em sẽ làm tăng đến 70% tỷ lệ chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong cho các em khi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc “quên” đội MBH cho trẻ em vẫn đang là tình trạng phổ biến hiện nay của nhiều phụ huynh khi chở con em lưu thông trên đường.

Thờ ơ với sự an toàn của trẻ

Nghị định 34 của Chính phủ đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Nghị định này cũng quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy.

Thế nhưng, những người còn thờ ơ với việc đội MBH cho con em mình sau Nghị định 34 cũng không phải là ít. Dạo quanh một số trường tiểu học, trung học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh phụ huynh chở con em mình đến trường mà không trang bị MBH cho trẻ. Khi được hỏi, một phụ huynh thật thà cho biết: “Tôi cũng không rõ lắm về Nghị định 34. Tôi chỉ biết là nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ tăng cao hơn mức cũ chứ không biết sẽ phạt nếu con trên 6 tuổi không đội MBH”.

Nhiều phụ huynh vẫn “quên” đội MBH cho con khi chạy xe máy trên đường

Trước cổng trường Tiểu học Phú Hòa 1, đường Trần Văn Ơn (TP.Thủ Dầu Một), các phụ huynh tấp nập đưa đón con, người đứng trước cổng, người chạy thẳng vào sân trường. Và khi các học sinh ùa ra leo lên xe máy thì đa số các em đều không đội MBH. Thậm chí có nhiều phụ huynh chở tới 2 - 3 học sinh trên một xe máy, nhưng không có em nào được đội MBH. Có nhiều em học sinh còn hiếu động, không chịu ngồi trên yên xe mà chồm lên phía trước, có lúc còn lắc qua lắc lại, quay ngược quay xuôi, vô cùng nguy hiểm. Nếu người điều khiển những chiếc xe này cầm lái không vững, lại đi trên đường gặp ổ gà, hoặc sự cố gì thì tính mạng của các em nhỏ này sẽ vô cùng nguy hiểm.

Khi chúng tôi hỏi thăm anh Huỳnh Minh Hiếu, một phụ huynh đưa đón con đi học tại trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TX.Dĩ An rằng anh có biết quy định về việc đội MBH cho trẻ, anh trả lời: “Cũng có biết chứ, nhưng chưa thấy công an thổi bao giờ nên cũng hay quên đội mũ cho con”. Còn một chị đứng kế bên thì nói rất vô tư: “Cũng có nghe chuyện tăng tiền phạt khi không đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi, nhưng nhà tôi cũng gần đây, loáng một cái là về đến nhà, đội MBH thấy phiền phức quá. Với lại thời tiết nóng nực quá nên cho cháu để đầu trần cho mát. Khi nào đi đâu xa mới đội”.

Đội MBH cho trẻ là cần thiết

Trung tá Trương Minh Cảnh, Đội trưởng Đội CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết thực tế hiện nay, trên các tuyến đường nội ô TP.Thủ Dầu Một, việc người tham gia giao thông vi phạm quy định đội MBH cho trẻ em còn diễn ra phổ biến, số trẻ em đội MBH chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây cũng là thực trạng chung tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mặc dù ngành chức năng đã tiến hành xử phạt các trường hợp trẻ em không đội MBH, thế nhưng việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh cho rằng con em của họ chưa đủ 6 tuổi nên không phải đội MBH.

Các bậc cha mẹ cần chấp hành nghiêm quy định đội MBH cho trẻ, không nên viện lý do đội MBH không tốt cho trẻ, vì thực tế MBH trẻ em tiêu chuẩn Việt Nam rất nhẹ, mang lại sự bảo vệ cần thiết cho não của bé trong trường hợp va chạm. Việc chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông, đặc biệt là cho trẻ em ngồi trên xe máy cần được các bậc cha mẹ quan tâm, xem đây là trách nhiệm của mình, bởi nếu cha mẹ không đội MBH, hoặc cài quai không đúng cách cho con em mình sẽ gây ra rất nhiều thương tích, thậm chí là chấn thương sọ não và những cái chết thương tâm cho trẻ

Chị Nguyễn Thị Tú Trinh, phụ huynh một học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cũng khẳng định: “Ai cũng vậy, khi quyết định mua MBH có lẽ đều nhận thấy rằng, quan trọng không phải vì tiền mà vì chính tính mạng của mình. Việc đội MBH đối với gia đình tôi đã trở thành một thói quen từ rất lâu rồi chứ không phải chờ có quy định thực hiện. Bây giờ ra đường mà không có MBH tôi không thể đi được. Nhà tôi có hai con nhỏ, đi đâu là cả nhà cũng chỉ đi trên một chiếc xe gắn máy, như vậy để đi đâu là phải chuẩn bị sẵn 4 cái MBH. Mặc dù cồng kềnh, lỉnh kỉnh đấy nhưng không bao giờ chúng tôi quên đội mũ cho mình và cho các cháu. Vì vậy, việc đội mũ cho trẻ em khi tham gia giao thông trên đường với tôi đó là việc làm rất cần thiết và chúng tôi luôn thực hiện”.

Trung tá Trương Minh Cảnh nhấn mạnh: “Hình thức xử phạt cũng không thể triệt để, hôm nay nhắc nhở, ngày mai lại vi phạm. Điều này còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Mọi người đều đã nhận thức rõ việc đội MBH cho con em khi lưu thông trên đường là việc làm cần thiết. Việc đội MBH không phòng được tai nạn giao thông nhưng giúp giảm tỷ lệ chấn thương sọ não và tử vong khi tai nạn xảy ra. Điều này đã được chứng minh từ khi áp dụng quy định đội MBH (từ 15- 12-2007) đến nay. Chính vì vậy, việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông trên đường chính là cách để bảo vệ an toàn cho các em. Tuy rằng, hiện nay theo luật thì chỉ bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH nhưng những em bé dưới 6 tuổi đầu rất dễ tổn thương, rất cần được bảo vệ. Vì vậy không chỉ đợi đến khi con em mình 6 tuổi mới đội MBH, mà các bậc cha mẹ nên đội mũ cho tất cả các em nhỏ nếu có thể khi tham gia giao thông”.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên